Đi ra toàn cầu

- Thứ Ba, 02/11/2010, 00:00 - Chia sẻ
Không giống phần lớn người Trung Quốc nghỉ hưu - thường ở nhà chăm sóc bọn trẻ, Zhang Guangzhu và Wang Zhongjin, có cháu trai bảy tuổi ở Bắc Kinh, đã khăn gói đi vòng quanh thế giới.

Ý tưởng đi du lịch nảy sinh vào năm 2007 khi hai ông bà tình cờ gặp một du khách ba lô 60 tuổi người Australia du lịch một mình ở núi Minling, tỉnh Vân Nam. Ông Zhang đặt câu hỏi: “Nếu người nước ngoài có thể du lịch Trung Quốc một mình thì tại sao chúng tôi lại không thể tự mình đến đất nước của họ?”

Sẵn sàng bán nhà để... du lịch

Ông Zhang là cán bộ hưu trí của tập đoàn China Hua’neng, một doanh nghiệp nhà nước về lĩnh vực điện, năm 2008. “Loanh quanh ở nhà mỗi ngày không phải là cuộc sống mà chúng tôi mong muốn”, ông già 64 tuổi nói.

Tháng 3.2008, Zhang và vợ ông, 61 tuổi, đã ra sân bay, mang theo chiếc ba lô nặng 30kg. Hãng hàng không Qatar đưa họ đến Athens – nơi họ bắt đầu chuyến du lịch kéo dài 88 ngày qua 16 nước như Hy Lạp, Italy, Na Uy và Đức.

Trước chuyến đi, đôi vợ chồng già đã dành sáu tháng để học tiếng Anh giao tiếp và trao đổi về lịch sử và văn hóa của những nước đó. “Tôi cảm thấy trẻ trung khi khoác chiếc ba lô trên vai”, ông Zhang nói. Ba lô của họ gồm có sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet, sách tiếng Anh trong tình trạng khẩn cấp, cuốn kim từ điển, một máy tính xách tay, một thiết bị định vị toàn cầu GPS, một máy quay video kỹ thuật số, một chảo điện từ và một nồi cơm điện.

Giày của họ đã mòn vẹt và họ tiêu hết khoản tiết kiệm khoảng 100.000 nhân dân tệ (14.850 USD). Tuy thế, khao khát trải nghiệm những điểm đến mới không hề giảm sút. “Trong suốt chuyến đi, chúng tôi ấn tượng với những nền văn hóa khác nhau và chỉ mong đi tiếp đến những nước khác”, ông Wang chia sẻ. Họ dự trù thăm thú khoảng 25 nước nữa ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ.

“Thậm chí chúng tôi còn tính đến việc bán căn hộ nếu tài khoản ở ngân hàng cạn kiệt”. Căn hộ hai phòng ngủ của họ ở quận Phong Đài hiện có giá hơn một triệu nhân dân tệ. Khi còn trẻ, hai ông bà đã làm việc cật lực để đảm bảo cuộc sống. “Giờ là thời điểm tốt nhất trong đời chúng tôi để du lịch vòng quanh thế giới”, ông nói.
Hiện ông bà Zhang đang chuẩn bị cho chuyến du lịch tới Nam Mỹ, nơi mà nền văn minh Maya cổ đã thu hút sự quan tâm của họ. Họ cũng đang hoàn tất bản di chúc bởi “chúng tôi không muốn để lại phiền hà cho gia đình nếu chẳng may có gì bất thường xảy ra trong cuộc hành trình”.

Xu hướng du lịch nước ngoài tăng lên

Rõ ràng là ông bà Wang không hề đơn độc. Theo báo cáo hàng năm về du lịch nước ngoài của Trung Quốc năm 2009 của Tổng cục Du lịch Quốc gia (NTA), năm ngoái các du khách Trung Quốc tiêu tốn khoảng 42 tỷ USD cho du lịch nước ngoài. Số liệu mới nhất từ NTA cho thấy số lượng du khách xuất ngoại liên tục tăng, đạt tới 47,7 triệu vào năm 2009, gấp ít nhất là tám lần kể từ năm 1997, khi nhà nước thông quan các quy định chính thức cho phép công dân Trung Quốc du lịch nước ngoài.

Con số mới nhất từ trang web www.Qunar.com, công cụ tìm kiếm thông tin du lịch lớn nhất của Trung Quốc, tiết lộ rằng mặc dù các tour du lịch nước ngoài theo nhóm vẫn là chủ yếu, khoảng 30% du khách Trung Quốc lựa chọn du lịch tự do trong nửa đầu năm 2010.

Giáo sư Li Xinjian, chủ nhiệm khoa quản lý du lịch ở Đại học Nghiên cứu Quốc tế Bắc Kinh, một trong những trường đại học đầu tiên của Trung Quốc mở khóa học về quản lý du lịch cho biết, những thay đổi đáng kể trong xã hội Trung Quốc đã khiến người ta quan tâm hơn đến nhu cầu thư giãn.

Mười năm trước, hầu hết du khách Trung Quốc ra nước ngoài phải sắp xếp tour theo nhóm thông qua các hãng lữ hành. Ngày nay, 130 đất nước và lãnh thổ đang mở cửa cho du khách Trung Quốc, nhiều nước còn cấp thị thực du lịch cá nhân cho những người nộp đơn đủ tiêu chuẩn.

Dễ dàng và tiết kiệm

Năm 2001, khi ông Hei Jian lần đầu tiên nộp đơn xin thị thực du lịch tới Liên minh châu Âu, giấy tờ phải chuẩn bị gồm từ thư giới thiệu của sếp đến sổ hộ khẩu của gia đình. “Du lịch nước ngoài ngày nay dễ dàng hơn nhiều so với mười năm trước”, ông nói. Người đàn ông 41 tuổi này đã du lịch 65 nước và tiêu tốn trung bình gần 5.000 nhân dân tệ ở mỗi nước.

Vé máy bay “0 đô la” (loại vé khuyến mãi đặc biệt của hãng hàng không) và ở trọ trong những khu ký túc xá thanh niên hay nhà của bạn bè gặp trên đường đã giúp ông Hei Jian tiết kiệm được kha khá. “Tôi cũng không mua sắm hàng xa xỉ. Tôi thích những món quà lưu niệm thủ công nhỏ xinh của dân địa phương”.

Hei Jian đã chỉ ra các mẹo du lịch thiết thực và chia sẻ kinh nghiệm du lịch của mình trên trang web cá nhân Dạo chơi qua 40 nước (Walking through 40 Countries) ở sina.com. Các bài viết về chuyến du ngoạn tới CHDCND Triều Tiên đã thu hút hơn 200.000 người đọc kể từ năm 2008. “Tôi hy vọng các trải nghiệm và mẹo này có thể khích lệ nhiều bạn trẻ Trung Quốc ra với thế giới hơn”.

Economic Travel Net (Go2eu.com), một trong những trang web thông tin du lịch hàng đầu của Trung Quốc, cung cấp các kinh nghiệm, nhật ký hành trình. Phần lớn người viết là sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài và nhân viên “cổ cồn” ở Trung Quốc hoặc nước ngoài.

Trong số đó có Li Ziran, cô gái 26 tuổi đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của quần đảo Santorini ở Hy Lạp khi cô nhìn thấy qua ảnh hồi còn học tiểu học. Trong năm thứ hai ở Đại học Polytechnic Bắc Kinh, cô đã tới sân bay Thủ đô (Capital Airport), chăm chú đọc bảng thông tin và mơ ước có ngày được lên máy bay... “Tôi tưởng tượng rằng máy bay đang đưa tôi khám phá thế giới, bay từ thành phố này sang thành phố khác, tới những nơi hoàn toàn xa lạ”.

Cuối cùng cô đã có cơ hội du lịch nước ngoài sau khi tốt nghiệp và kiếm được việc làm vào năm 2006. Vài tháng trước, cô đã tới Malaysia với bố mẹ. “Tôi sẽ không bao giờ ngừng theo đuổi giấc mơ của mình”, cô khẳng định.

Hoàng Diễm
Theo China Daily