Di sản phim - lưu giữ đồng thời với tương tác

- Thứ Tư, 16/01/2019, 08:03 - Chia sẻ
Với thế mạnh riêng của mình, di sản phim như một cỗ máy thời gian, giúp khán giả có cơ hội nhìn lại một cách chân thực ký ức và quá khứ tái hiện qua màn ảnh rộng. Tuy nhiên, hiện nay phim, video và các các dạng thức hình ảnh động khác chưa được lưu trữ và phát huy đúng với giá trị của nó.

Khó tìm kiếm những bộ phim xưa

“Trong quá trình thực hiện dự án 101 phim hay nhất của điện ảnh Việt Nam, tôi gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm tư liệu và bản phim. Như khi tìm hiểu về điện ảnh Bưng Biền, tôi muốn tìm lại những bộ phim thời kỳ đó nhưng không thể. Ở giai đoạn sau đó, như bộ phim “Kiếp hoa” (1953), tôi không còn cách nào khác là xem bản phim chất lượng rất kém trên Youtube”. Đó là chia sẻ của nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm tại hội thảo “Phim như một di sản văn hóa”, do Hội đồng Anh và Viện Phim Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 15.1, cũng là thực tế mà nhiều nhà nghiên cứu và khán giả yêu điện ảnh gặp phải.

Có thể thấy, điện ảnh Việt Nam manh nha trong những năm 30, 40 của thế kỷ trước, và quá trình phát triển, nội dung gắn liền với lịch sử dân tộc, phản ánh trực tiếp không khí chiến tranh, cũng như giai đoạn hậu chiến, đổi mới và hội nhập. Do đó, điện ảnh là một những phương tiện để khán giả tìm hiểu về một giai đoạn cụ thể nào đó, qua đó có thêm cái nhìn về xã hội, con người Việt Nam trong quá khứ. Như muốn tìm hiểu về không khí khốc liệt của chiến tranh, thế hệ trẻ có thể xem một loạt bộ phim tiêu biểu của giai đoạn này như “Con chim vành khuyên”, “Chung một dòng sông”, “Nổi gió”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”...; hoặc tìm hiểu về hát quan họ và văn hóa Kinh Bắc xưa qua bộ phim “Đến hẹn lại lên”... Theo anh Lê Hồng Lâm: “Qua các tác phẩm điện ảnh, ta không chỉ thấy được những bộ phim tiêu biểu trong suốt bảy thập niên, mà còn thấy được chân dung của lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Qua đó, ta cũng thấy được những biến động và bình lặng, những chia cắt và hòa hợp, vết thương và hàn gắn, khổ đau và hạnh phúc, tan vỡ và hồi sinh, nước mắt và nụ cười, ra đi và trở về... của người Việt Nam trong gần một thế kỷ qua và những năm gần đây”.

Phim được coi là di sản văn hóa phi vật thể của một đất nước. Bởi vậy, việc lưu trữ và bảo tồn di sản phim đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện từ lâu. Ở Anh, những bộ phim của đạo diễn huyền thoại Alfred Hilcock vào những năm đầu thế kỷ XX đã được phục chế sang định dạng 2K, 4K, và được coi là di sản của điện ảnh nước này trong giai đoạn đầu. Các nước khác, đặc biệt là những nền điện ảnh mạnh đều có viện lưu trữ tác phẩm điện ảnh. Ở Việt Nam, việc lưu trữ phim cũng đã sớm được quan tâm, tuy nhiên, di sản này chưa được nhiều người biết tới, các tác phẩm điện ảnh tiêu biểu một thời cũng gần như bị lãng quên và một số bộ phim khó có thể tìm thấy trong thời đại hiện nay.


Nguồn: ITN

Đưa di sản phim đến công chúng

Khảo sát tình hình lưu trữ phim nhựa ở một số đơn vị như Viện Phim Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Điện ảnh tại TP Hồ Chí Minh (trực thuộc Viện phim Việt Nam), Công ty TNHH MTV Hãng phim tài liệu Khoa học Trung ương, Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, Trung tâm tư liệu, Đài Truyền hình Việt Nam... Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Viện Phim Việt Nam Lê Tuấn Anh cho biết, có trên 100.000 cuốn phim đang được lưu trữ, với nhiều chủng loại, cỡ phim và tình trạng khác nhau. Có đơn vị có kho chuyên dụng, có đơn vị bảo quản phim trong phòng bình thường, tuy nhiên hầu hết kho phim chưa bảo đảm điều kiện bảo quản dài hạn, làm giảm tuổi thọ phim nhựa.

Nếu được bảo quản tốt, phim nhựa có tuổi thọ lên tới 500 năm, nhưng hiện tại các phim Việt Nam chịu tác động của môi trường cũng như ảnh hưởng từ quá trình sử dụng. Để tránh làm giảm chất lượng phim, nhưng vẫn khai thác được, thế giới có xu hướng số hóa phim, có hãng tự số hóa, có đơn vị thuê bên ngoài. Viện Phim Việt Nam đang tự số hóa dưới định dạng 2K và thuê số hóa với dạng 4K, một năm số hóa trên 1.000 cuốn, con số khá ít ỏi so với tổng cộng gần 45.000 cuốn phim...

Phim được coi là di sản mang tính quốc gia, và lưu trữ phim không thể tồn tại nếu thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước - ông Frank Gray, Giám đốc Lưu trữ phim Screen Archive Southe East, Đại học Grighton, Anh, người có 25 năm trong lĩnh vực lưu trữ khẳng định. Tuy nhiên, di sản phim cần được chia sẻ, đưa tới cộng đồng để mang lại những giá trị mới. Đến từ Scotland, bà Shona Thomson, sáng lập và điều hành tổ chức A kind of Seeing cho biết, hiện Scotland có trung tâm với hơn 46.000 đề mục được lưu trữ, chủ yếu là phim tài liệu, chương trình giáo dục và nhiều người truy cập vào kho tài liệu trực tuyến này để xem phim và nghiên cứu. A kind of Seeing cũng trình chiếu phim ở Anh và khắp thế giới, hướng tới kết nối con người qua các bộ phim, như trình chiếu phim cho người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, người chuyển giới... 3 năm qua, các chương trình chiếu phim của tổ chức này thu hút gần 8.000 người.

Trong khi đó, tại Việt Nam, theo Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Nguyễn Như Vũ, nơi đang lưu giữ gần 12.000 thước phim nhựa, mang giá trị về đất nước, con người qua năm tháng, sắp tới đơn vị này dự tính sẽ thực hiện dự án khai thác phim. Tuy nhiên, đó là với phim tài liệu do Hãng sản xuất, còn thực tế với các phim lưu trữ tại một số đơn vị, việc khai thác phim còn vướng vấn đề về bản quyền. Nhà làm phim Phan Đăng Di, người quan tâm tới việc lưu trữ và quảng bá di sản phim tới công chúng cho rằng: Ở Việt Nam, phần nhiều tư liệu lưu trữ có vẻ không có đời sống, khi chỉ ở trong kho, không được khai thác, tiếp cận công chúng. Trong khi đó, xu hướng thế giới là làm sống lại di sản phim, không chỉ trích dẫn mà biến nó vào một bộ phim mới hấp dẫn. Muốn di sản ấy phát huy giá trị trong hiện tại, quá trình lưu trữ phải đồng thời với sự tương tác để biến thành di sản sống.

Ngọc Phương