Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030

Địa bàn đặc biệt khó khăn được ưu tiên đầu tư cao nhất

- Thứ Bảy, 11/07/2020, 05:43 - Chia sẻ
Ngoài mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước, Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 còn hướng đến bảo đảm địa bàn đặc biệt khó khăn được ưu tiên đầu tư ở mức cao nhất.

Giải quyết vấn đề cốt lõi là đói, nghèo

Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín. Qua phản ánh của cử tri, đồng bào đang rất phấn khởi, mong đợi sự đầu tư của Chương trình sẽ tác động mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển toàn diện KT - XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nâng cao đời sống người dân.

Theo ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), chúng ta ban hành nghị quyết này, vì thực tế, qua 2 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (đã trải qua nhiều thập niên) thì đến nay còn một góc nữa, gọi là "lõi nghèo" của đất nước. Lõi nghèo này tập trung vào đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, cho nên nghị quyết vừa đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013 và quan trọng là giải quyết đói, nghèo. ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết thêm, “phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đang cư trú tại những nơi trọng yếu, vùng xa xôi, hẻo lánh, biên giới, hải đảo, nếu không bảo đảm được đời sống no ấm, bền vững cho bà con, chúng ta sẽ mất đi "phên dậu sống", mất đi những giá trị văn hóa không thể đong đếm được”.

Nguồn: ITN

Chính vì thế, nghị quyết lần này xác định mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Và, đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, nghị quyết cũng giao Chính phủ một số nhiệm vụ như tổ chức tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và 21 chương trình mục tiêu đang thực hiện. Trên cơ sở đó xác định nội dung, đối tượng, địa bàn cụ thể triển khai thực hiện Chương trình, tránh trùng lặp, chồng chéo giữa các chương trình. Nghiên cứu, vận dụng các cơ chế, chính sách phù hợp với đặc điểm, điều kiện của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 2 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu đang thực hiện để đưa vào Chương trình này. Bảo đảm địa bàn đặc biệt khó khăn được ưu tiên đầu tư ở mức cao nhất.

Chính phủ cũng cần chỉ đạo xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi theo quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế quản lý, điều hành quy định tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18.11.2019 của Quốc hội Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tập trung nguồn lực đầu tư để giải quyết các vấn đề bức thiết của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo thứ tự ưu tiên: Đến năm 2025, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Kết luận số 65-KL/TW ngày 30.10.2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Đồng thời, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là vùng nguy cơ cao về thiên tai. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, bảo đảm cho người dân có thu nhập ổn định từ bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm sinh kế bền vững. Đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu; chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia. Quan tâm công tác truyền thông, tuyên truyền và biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến. Củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc…

Tạo thống nhất trong triển khai thực hiện

Vừa qua, Ủy ban Dân tộc đã tiến hành phiên họp nhằm bàn giải pháp, xây dựng kế hoạch triển khai nghị quyết quan trọng này của Quốc hội. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nêu rõ, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia là khung pháp lý cao nhất để Ủy ban Dân tộc bám vào xây dựng nội dung các công việc tiếp theo. Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn dài hơn. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc yêu cầu cần triển khai ngay một số nhiệm vụ như: Xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức hội thảo cấp vụ chuẩn bị triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, từ đó tạo sự thống nhất trong thực hiện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng nhấn mạnh, công tác dân tộc và chính sách dân tộc là lĩnh vực đặc thù, do đó căn cứ vào định mức, quy chuẩn trong Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt để thực hiện, Ủy ban Dân tộc cần thành lập tổ soạn thảo, giao Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu thành lập (yêu cầu có hai bộ phận, chuẩn bị cho việc thành lập Văn phòng điều phối, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, có cán bộ chuyên trách…); giao Vụ Địa phương I chủ trì, tiến hành xây dựng tiêu chí phân định nhóm dân tộc đặc biệt khó khăn. Yêu cầu các bộ phận liên quan tăng cường tính tập thể, chủ động nắm chắc thông tin, triển khai ngay các nhiệm vụ được giao. 

Có thể thấy, với tầm vóc là "một Nghị quyết mang tính lịch sử" về lĩnh vực dân tộc, các công việc để triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, sớm đưa nội dung Chương trình đi vào cuộc sống đang được tiến hành một cách khẩn trương.

Một trong những mục tiêu hướng đến, như ý kiến của nhiều ĐBQH, đó là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phải đúng đối tượng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, để đồng bào giảm nghèo nhanh nhưng phải bền vững. Cùng với đó, thu hẹp khoảng cách phát triển, mức sống giữa miền xuôi và miền núi, giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Nhưng đồng thời cũng cần chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Chăm lo, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Xóa bỏ hủ tục lạc hậu, chăm sóc sức khỏe đồng bào, chăm lo đến phụ nữ và trẻ em. Phát huy truyền thống đoàn kết để bảo vệ vững chắc an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc. Củng cố và giữ vững niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.

Anh Thảo