Đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Địa điểm mới, kết quả cũ?

- Thứ Ba, 30/07/2019, 07:44 - Chia sẻ
Hôm nay, 30.7, phái đoàn Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại sau khi bị đình trệ từ tháng 5. Diễn ra trong hai ngày, vòng đàm phán mới, với một địa điểm tổ chức mới (ở Thượng Hải thay vì Bắc Kinh như trước) được kỳ vọng sẽ tạo nên đột phá.

Tín hiệu tích cực…

Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer đã có mặt ở Trung Quốc để tiếp tục bàn về các biện pháp cải thiện quan hệ thương mại song phương. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa quan chức hai nước kể từ khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí nối lại đàm phán trong cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 ở Nhật Bản cuối tháng 6.

Đáng chú ý, vòng đàm phán mới nhất diễn ra tại thành phố Thượng Hải thay vì Thủ đô Bắc Kinh như các cuộc gặp trước đó. Đây được xem là tín hiệu cho thấy Trung Quốc quyết tâm cải thiện tình hình, bởi Thượng Hải là nơi chứng kiến “Thông cáo chung Thượng Hải 1972” - cột mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung.

Bộ trưởng Mnuchin cho biết ông xem lời mời đến Thượng Hải đàm phán là “tín hiệu tốt lành cho thấy thiện chí để hai phía có thể đạt được tiến triển”. Dù vậy, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng khẳng định việc thay đổi địa điểm đàm phán “không có gì bất thường”.

Theo nhà nghiên cứu Ni Yueju, từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, vòng đàm phán lần này sẽ tập trung vào những vấn đề chưa được giải quyết, trong đó có quyền sở hữu tài sản trí tuệ, cân bằng thương mại, biện pháp thuế quan và lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty Trung Quốc. Ngoài ra, theo bà Ni, hai bên có thể thảo luận về chuyện Trung Quốc nối lại mua nông sản Mỹ.

Trước đó, hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết Trung Quốc đang lên kế hoạch mua 3,8 - 6 triệu tấn đậu nành Mỹ trong tháng 9 tới. Kế hoạch này được đưa ra sau khi Tổng thống Trump phàn nàn rằng Trung Quốc không tăng mua nông sản Mỹ như đã hứa trong cuộc gặp ở Hội nghị G20 tháng trước. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng cảnh báo, đề xuất mua đậu nành của Trung Quốc có thể thay đổi tùy vào tiến triển các cuộc đàm phán thương mại.


Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong cuộc đàm phán hồi tháng 5

… và những hoài nghi

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ - Trung khó có thể nhanh chóng phá vỡ thế bế tắc trong vòng đàm phán mới ngay cả khi hai phía muốn đạt được một thỏa thuận. Trong bài bình luận mới đây, tờ The Global Times khẳng định quá trình đàm phán sẽ còn diễn ra thời gian dài, đồng thời cảnh báo hai phía có thể không đạt được thỏa thuận cuối cùng nếu Washington tiếp tục gây sức ép lên Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, nhân sự của phái đoàn đàm phán lần này cũng hứa hẹn khó khăn. Sự hiện diện của Bộ trưởng Thương mại Trương Quân bên cạnh Phó Thủ tướng Lưu Hạc trong phái đoàn nước chủ nhà có thể tác động đến kết quả cuộc họp do ông Trương được xem là nhân vật có lập trường cứng rắn.

Ngay cả Bộ trưởng Tài chính Mnuchin dù lạc quan nhưng cũng thừa nhận “vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết” và nhận định hai phía sẽ còn phải thảo luận thêm ở Mỹ. Ông Larry Kudlow - Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ khẳng định với kênh CNBC hôm 26.7, “không mong đợi bất cứ thỏa thuận đáng chú ý nào”. Giáo sư Wang Yong, ngành kinh tế chính trị quốc tế ở Đại học Bắc Kinh, cũng cho rằng: “Vẫn còn nhiều thách thức và rào cản phía trước. Các cuộc tranh luận nội bộ hai nước vẫn chia rẽ về cách thực hiện các điểm đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đạt được tại cuộc gặp ở Nhật Bản cuối tháng trước”.

Tình hình càng thêm phức tạp khi Tổng thống Donald Trump cuối tuần rồi nhận định Trung Quốc có thể “câu giờ” đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 để hy vọng đạt được thỏa thuận thương mại với một Tổng thống đến từ Đảng Dân chủ; đồng thời tự tin nói rằng một khi ông tái thắng cử, Bắc Kinh sẽ gần như lập tức ký các thỏa thuận.

Tổng thống Donald Trump hôm 27.7 cũng đe dọa rút lại công nhận Trung Quốc là “nền kinh tế đang phát triển”. Ông Trump cho rằng, cho đến nay WTO vẫn sử dụng kiểu phân đôi đã lỗi thời giữa những “nước phát triển” và “đang phát triển”, mang lại bất công cho một số thành viên WTO. Theo tuyên bố này, nếu trong vòng 90 ngày những quy định WTO không có sự cải thiện đáng kể, Washington sẽ yêu cầu đại diện thương mại nước này ngừng đối xử với những thành viên WTO này như các nền kinh tế đang phát triển.

Các nước được WTO xác định thuộc nhóm “đang phát triển” có thời hạn dài hơn để thực hiện các cam kết thương mại tự do, cũng như được phép bảo vệ một số ngành công nghiệp trong nước và duy trì trợ cấp. Chính quyền Tổng thống Donald Trump từ lâu phàn nàn rằng các thị trường mới nổi như Trung Quốc đã lợi dụng quy chế này để duy trì mức thuế cao hơn và các rào cản thương mại khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong nước.

Hiện chưa rõ Mỹ sẽ yêu cầu WTO thay đổi chính sách như thế nào, song dường như những tuyên bố trên nhằm mở cánh cửa để Washington có thể áp thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và các nước khác.

Phản ứng với tuyên bố trên của Mỹ, hãng tin Tân Hoa Xã ngày 29.7 cho hay, việc Mỹ cảnh báo sẽ rút lại công nhận quy chế “nước đang phát triển” của Trung Quốc tại WTO là một cách thức gây sức ép trước thềm các cuộc họp về thương mại giữa hai nước dự kiến diễn trong tuần này; đồng thời cho rằng, cách làm đó chỉ đưa đến bầu không khí thiếu thiện chí và thất bại.

Đạt Quốc