Dịch chuyển khứ - hồi

- Thứ Năm, 19/09/2019, 07:52 - Chia sẻ
Hơn thập kỷ qua, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề trung bình và cao phục vụ cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung còn nhiều bất cập. Nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm, trong khi doanh nghiệp luôn kêu than không tuyển được lao động, thường xuyên phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng... Trong bối cảnh ấy, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chung tay với doanh nghiệp có giúp cải thiện năng suất lao động quốc gia? Đâu là động cơ để cả hai có thể cùng thực hiện?

Động cơ đôi bên

Bản tin cập nhật thị trường lao động số 21, quý I.2019 công bố bởi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, dù số lao động qua đào tạo đang thất nghiệp giảm so với cùng kỳ năm 2018, nhưng số lượng lao động thất nghiệp vẫn không nhỏ. Nếu tính chi phí đào tạo bình quân 10 triệu đồng/sinh viên/năm học, thì mỗi năm chi phí đào tạo cho số lao động có “tay nghề” (không tính sơ cấp) thất nghiệp khoảng gần 2.500 tỷ đồng.

Dù trong hoàn cảnh cạnh tranh gay gắt khi Việt Nam tham gia sâu vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định song phương (FTA) cũng như việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), tốc độ tăng trưởng bình quân số doanh nghiệp thành lập là 13%/năm, trong đó khu vực doanh nghiệp trong nông nghiệp và công nghiệp giảm từ 0,92% xuống còn 0,87% giai đoạn 2010 - 2016. Tỷ lệ và số lượng doanh nghiệp phi nông - công nghiệp tại Việt Nam cùng giai đoạn này tăng rất nhanh mà hầu hết là thương mại và dịch vụ nhỏ chiếm 39,5% với gần 200.000 doanh nghiệp đến cuối năm 2016.

Trong bối cảnh ấy, GDNN chung tay với doanh nghiệp có giúp cải thiện năng suất lao động quốc gia? Đâu là động cơ để cả hai có thể cùng thực hiện? Để làm được điều này, doanh nghiệp và GDNN phải hình thành định hướng nghề cho 2 đối tượng chính hiện nay. Một là, định hướng lại nghề cho số lao động đang chủ yếu làm thương mại và dịch vụ nhỏ theo hướng chuyển dịch sang hẳn khu vực tạo giá trị gia tăng GDP cao như công nghiệp hay dịch vụ cao cấp như logistics, thương mại điện tử, dịch vụ cao cấp trong y tế, giáo dục, thương mại kỹ thuật số… Hai là, đào tạo thêm kỹ thuật để nâng thu nhập bình quân lên trên mức thu nhập bình quân chung cho số lao động trong các ngành công nghiệp - xây dựng, nông - lâm - thủy - sản.


Doanh nghiệp là nơi thực hành trong quá trình đào tạo nghề Ảnh: Đức Kiên

Nhu cầu thật sự

Có thể nói, “dịch chuyển khứ hồi” giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục đào tạo nói chung và GDNN nói riêng là làm sao phải thể hiện đây là nhu cầu thật sự, xuất phát từ nhu cầu và sự phát triển từ 2 phía, nghĩa là “có đi và có về”. Cơ sở GDNN vừa là nguồn cung cấp thành tố đầu vào (lao động) để doanh nghiệp có thể hoạt động và tăng năng suất lao động, cụ thể là năng suất lao động nội ngành, vừa phải là nơi có thể mang những thành tựu khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất thử cho doanh nghiệp. Những ứng dụng này có thể xuất phát từ chuỗi sáng tạo khoa học kỹ thuật của khu vực giáo dục đại học, từ nước ngoài hay chính từ các doanh nghiệp đã tự đặt hàng cho cơ sở GDNN.

Doanh nghiệp là nơi tiếp nhận đầu ra (lao động được đào tạo + các ứng dụng từ sản xuất thử) của các cơ sở GDNN và cũng là nơi để các cơ sở GDNN có thể thử nghiệm (tăng thêm) những kỹ thuật đang được áp dụng và là nơi thực hành trong quá trình đào tạo nghề. Có thể hình dung mô hình liên kết “khứ hồi” giữa doanh nghiệp và đào tạo là: Giáo dục đại học dẫn dắt định hướng khoa học - kỹ thuật phát triển, là động lực kéo theo toàn bộ nền kinh tế - xã hội. Phần đáy của giáo dục đại học cũng đồng thời tiếp giáp GDNN, tạo cơ sở liên thông trong các ngành đào tạo.

GDNN được đặt cùng hàng với doanh nghiệp, vì doanh nghiệp vốn cần nhiều lao động kỹ thuật, thực hành hơn lao động nghiên cứu. Ngoài ra, các nghiên cứu chỉ có thể biến thành lực lượng sản xuất thực sự khi nó được chuyển hóa thành quy trình nghiên cứu - sản xuất thử nghiệm - sản xuất đại trà. Hơn nữa, chỉ có thể sử dụng được nhiều hơn đội ngũ lao động kỹ thuật, thực nghiệm thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển trong cạnh tranh. Doanh nghiệp chính là lực đẩy cho toàn bộ nền kinh tế phát triển bằng cách thực nghiệm và thực hiện tất cả ứng dụng khoa học kỹ thuật từ nền nghiên cứu của giáo dục đại học và triển khai qua “lâm sàng” từ giáo dục nghề nghiệp. Hai đỉnh của doanh nghiệp cũng là nơi tiếp giáp giữa chuyển giao và khởi thủy cho những yêu cầu mới của xã hội.

Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Viễn Đông
Lê Thư ghi