Đích đến là phim hay

- Thứ Tư, 15/07/2015, 08:25 - Chia sẻ
Điện ảnh Việt Nam ngày càng phát triển, nhưng mới dừng ở lượng, còn chất chưa cao. Hy vọng Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ mới tập hợp được tiếng nói, trí tuệ của văn nghệ sĩ, đóng góp cho ngành phát triển, có nhiều phim hay, mang dấu ấn điện ảnh nước nhà.

Đạo diễn, NSND ĐẶNG NHẬT MINH: Thiếu phim có sáng tạo nghệ thuật

Tôi kỳ vọng trong nhiệm kỳ này, Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam quan tâm hơn đến việc tập hợp tiếng nói, trí tuệ của văn nghệ sĩ, tham mưu, giúp Nhà nước điều hành để điện ảnh Việt Nam phát triển. Những năm gần đây có một số phim hay, tốt, đặc biệt một số phim do Nhà nước tài trợ, nhưng không nhiều.

Cái điện ảnh Việt thiếu là phim thực sự có sáng tạo nghệ thuật. Hiện thực xã hội nảy sinh nhiều vấn đề, có nhiều đề tài hay, nhưng người làm điện ảnh tư nhân thì tránh xa, họ không chi tiền để làm những phim như vậy; họ phải đánh vào thị hiếu của thanh niên thành phố để thu lợi nhuận. Trong khu vực nhà nước, trước đây có một số phim nói về vấn đề nóng của xã hội được tài trợ, nhưng diện tích phim khu vực nhà nước thu hẹp, chỉ còn khoảng 2 phim/năm, đều là phim về lãnh tụ, kỷ niệm ngày lễ lớn. Đó là lý do tại sao ít có phim hay về đề tài xã hội. Tiền không phải là quan trọng nhất. Để tháo gỡ vấn đề này, ở cấp vĩ mô phải được bàn thảo thấu đáo để tìm ra giải pháp.


Đạo diễn, NSND TRẦN VĂN THỦY: Phải chạm vào dây thần kinh của xã hội

Là một trong những người tham gia từ rất sớm trong Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam nhiều khóa, tôi nhận thấy những người tổ chức Đại hội lần này rất tâm huyết, công phu. Nhưng tôi đặt ra câu hỏi: chúng ta tất bật, tưng bừng, tốn kém thì giờ, phấn khởi, tranh luận... vậy đích cuối cùng là gì? Cái này rất đơn giản, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng ý thức được. Đích cuối cùng, theo tôi, là phải có những bộ phim hay, nếu không, mọi nỗ lực đều vô ích. Hội chỉ là cái phao, điểm tựa, nỗ lực của các cá nhân mới quan trọng. Phim hay không hẳn là phải được giải thưởng, thu hút đông người xem, mà phải chạm vào dây thần kinh của đời sống xã hội đương đại. Trên trách nhiệm nghề nghiệp, đó là trách nhiệm công dân. Bất kỳ con dân Việt Nam sống trong xã hội này, bên cạnh nhận ra những cái tốt, phải tìm thấy những cái chưa hay, để chỉnh sửa, làm cho nó tốt đẹp hơn. 

Diễn viên, NSƯT MỸ UYÊN: Không nên chiều theo sở thích khán giả

Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, điện ảnh nước nhà có sự khởi sắc. Hiện nay, nhà nhà làm phim, từ phim truyền hình tới phim chiếu rạp, có thể nói lượng nhiều, nhưng chất chưa cao. Phim chiếu rạp nhiều, điều kiện rạp phát hành rộng mở; phim được quảng cáo rầm rộ khiến khán giả tò mò, nhưng đến khi công chiếu chính thức thì đa số phim đều thể hiện quá dễ dãi về nội dung lẫn dàn dựng. Đương nhiên, không phủ nhận thực tế có những tác phẩm nghiêm túc cũng chỉ trụ lại rạp vài ngày. Có lẽ do các nhà làm phim quen chiều theo sở thích khán giả nên khi có món ngon họ lại không quen.

Hội Điện ảnh Việt Nam cần kề vai sát cánh với các nhà sản xuất, nhà làm phim tư nhân cũng như xã hội hóa, để cho ra tác phẩm chất lượng hơn. Hội cũng cần tác động, góp phần cho ra đời những tác phẩm chính luận để khán giả trẻ hiểu về lịch sử, văn học nước nhà; tránh đến lúc mất định hướng, mất thị trường mới sửa sai thì đã quá muộn.

 Không đổi mới, sẽ lạc điệu

Đúng là rất khó để có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và nhất là giá trị tư tưởng, giáo dục sâu sắc trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn về nguồn lực như hiện nay. Nhưng nếu nhìn lại những thời kỳ trước đây, trong điều kiện còn khó khăn hơn nhiều vẫn có những tác phẩm như vậy ra đời và sống mãi.

Đúng là cơ chế thị trường có nhiều tác động tiêu cực cho điện ảnh nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung. Nhưng hãy nhìn ra thế giới sẽ thấy điện ảnh các nước vốn là cái nôi của kinh tế thị trường vẫn có những tác phẩm đỉnh cao nghệ thuật và hết sức nhân văn.

Đúng là công nghệ truyền hình, công nghệ nghe nhìn, công nghệ mạng ảnh hưởng trực tiếp tới sức hút khán giả tới rạp. Nhưng nhìn lại, chính sự phát triển công nghệ đã nâng cánh cho điện ảnh.

Chúng ta phải đối mặt và phải vượt lên những thách thức đó. Nếu không tiếp tục đổi mới và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, điện ảnh nước nhà sẽ lạc điệu, không chỉ với điện ảnh thế giới mà ngay với cuộc sống sôi động trong nước. Đó hẳn không phải những gì mong muốn, không phải những gì các thế hệ đi trước, thế hệ cháu con chúng ta trông đợi.

Đúng là chúng ta còn thiếu, còn cần nhiều điều kiện để có thể vượt lên. Nhưng trên tất cả là tình yêu nghệ thuật, là óc sáng tạo, là tấm lòng mang đến cho mọi người, để lại cho cuộc đời những điều tốt đẹp. Những điều ấy chắc chắn không thiếu bên trong những nghệ sĩ, những người làm điện ảnh nước nhà.

Phó thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM

__________________

 
Đại hội VIII Hội Điện ảnh Việt Nam có 502 đại biểu chính thức đại diện cho 1.780 hội viên trong cả nước tham dự. Ban Chấp hành mới gồm 12 thành viên, trong đó đạo diễn - NSND Đặng Xuân Hải tái đắc cử chức Chủ tịch Hội Điện Ảnh Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020. 3 gương mặt mới lần đầu tiên vào Ban Chấp hành là đạo diễn Lê Hồng Chương - Phó cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú và bà Phạm Thị Tuyết - Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư.

L. Thủy ghi