Dịch nCoV ảnh hưởng ra sao tới tăng trưởng GDP?

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:10 - Chia sẻ
Nếu chỉ xét về quan hệ thương mại qua đường tiểu ngạch, chỉ đạo “cấm đi lại ở đường mòn, lối mở” của Thủ tướng không những không làm GDP quý tiếp theo giảm mà còn tăng, vì xuất khẩu tiểu ngạch của Việt Nam qua Trung Quốc thấp hơn nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc khá nhiều. Sử dụng bảng cân đối liên ngành song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc cho thấy GDP của Việt Nam có thể tăng 0,87 điểm phần trăm.

Theo Tổng cục Thống kê, với 644.700 lượt khách du lịch trong tháng 1.2020, tăng đến 72,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thị trường Trung Quốc chiếm hơn 32,3% trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng đầu năm nay. Theo các doanh nghiệp, ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) chỉ diễn ra trong tuần cuối của tháng 1 nên chưa tác động nhiều đến số con số thống kê chung. Tuy nhiên, sang tháng tới, tình hình sẽ có nhiều thay đổi do đến nay Chính phủ Trung Quốc đã cấm người dân nước này du lịch nước ngoài theo nhóm và Việt Nam cũng đã không cho phép đón khách du lịch từ vùng có dịch. Chỉ đạo trong cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu “cần cấm đi lại ở đường mòn, lối mở”.

Như vậy, những hành động đối phó với dịch nCoV thực chất ảnh hưởng đến các lĩnh vực như du lịch, khách sạn nhà hàng, thương mại, vận tải và xuất nhập khẩu tiểu ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc.


Nguồn: ITN

Trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, về tổng quát ảnh hưởng từ nhu cầu cuối cùng đến giá trị sản xuất của Trung Quốc cao hơn Việt Nam (2,7 so với 2,3), đáng chú ý là nhu cầu cuối cùng của Việt Nam kích thích đến giá trị sản xuất của Trung Quốc cao hơn nhu cầu cuối cùng của Trung Quốc kích thích đến sản xuất của Việt Nam rất nhiều. Một triệu USD tăng lên của nhu cầu cuối cùng của Việt Nam tạo ra 318 nghìn USD giá trị sản xuất của Trung Quốc trong khi 1 triệu USD tăng lên của nhu cầu cuối cùng của Trung Quốc chỉ tạo ra 3 nghìn USD giá trị sản xuất của Việt Nam.

Nếu chỉ xét về quan hệ thương mại qua đường tiểu ngạch, chỉ đạo của Thủ tướng không những không làm GDP của quý tiếp theo giảm mà còn tăng, vì xuất khẩu tiểu ngạch của Việt Nam qua Trung Quốc thấp hơn nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc khá nhiều. Sử dụng bảng cân đối liên ngành song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc cho thấy ảnh hưởng này khiến GDP của Việt Nam có thể tăng 0,87 điểm phần trăm.

Trung Quốc hiện đã thông báo tạm ngưng giao dịch với Việt Nam tại 2 cửa khẩu ở tỉnh Vân Nam và Quảng Tây đến ngày 8.2 và ngày 10.2, song lệnh này có thể kéo dài nếu dịch cúm diễn biến theo chiều hướng không tích cực. Giả định rằng xuất nhập khẩu chính ngạch giảm 10% cùng với cắt giảm tiểu ngạch vẫn khiến GDP của Việt Nam tăng 0,03 điểm phần trăm. Nếu nhập khẩu từ Trung Quốc cho sản xuất của Việt Nam giảm 20% có thể sẽ khiến GDP của Việt Nam giảm 0,01 - 0,03 điểm phần trăm.

Theo Hệ thống các tài khoản Quốc gia của Liên Hợp Quốc, không có ngành cấp I hoặc cấp II nào là ngành du lịch, ngành du lịch là tên gọi phân theo cấp quản lý, ở hầu hết các nước thường lập các tài khoản vệ tinh về du lịch (Satellite accounts on tourism). Tổng cục Du lịch ước tính doanh thu về du lịch giảm khoảng 7 tỷ USD. Đối với các ngành liên quan đến du lịch như khách sạn, nhà hàng, vận tải, vui chơi - giải trí có tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất (doanh thu) từ 30% - 35%. Như vậy, ảnh hưởng đến giá trị tăng thêm của các hoạt động liên quan đến du lịch khoảng 2,1 - 2,3 tỷ USD, chiếm khoảng 0,8% GDP.

Tuy nhiên ảnh hưởng của dịch nCoV ảnh hưởng nhiều ngành như vận tải, khách sạn nhà hàng, thương mại, vui chơi giải trí. Giả sử lượng khách du lịch Trung Quốc giảm hết, tổng giá trị tăng thêm (Gross value added - GVA)(1) cũng chỉ giảm 1,2 - 1,4 điểm phần trăm.

Tổng hòa các yếu tố, GDP cũng có thể giảm khoảng 0,5 - 0,7 điểm phần trăm.

Dịch nCoV là một thách thức với Việt Nam nhưng cũng có thể là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam chủ động tìm thị trường mới cho cả xuất khẩu và nhập khẩu đầu vào. Điều này phù hợp với ý tưởng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông cho rằng: Dù tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn (nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 33% tổng nhập khẩu và tỷ trọng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc chiếm khoảng 17% tổng xuất khẩu), nhưng vì tính mạng của nhân dân chúng ta sẵn sàng hy sinh về mặt kinh tế. Ông hiểu rằng kinh tế cũng là vì người dân. Và để bù đắp khoản thiếu hụt này có thể có những giải pháp như: Giãn thời gian nộp thuế từ 3 - 6 tháng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích tụ vốn - điều này cũng có thể dẫn đến rủi ro nợ đọng thuế sau thời gian giãn thuế; hạ lãi suất đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch nCoV.

__________

(1) GVA + thuế sản phẩm trừ trợ cấp = GDP

TS. Bùi Trinh