Dịch quay lại, doanh nghiệp bất động sản vẫn duy trì hoạt động

- Chủ Nhật, 16/08/2020, 05:52 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 một lần nữa bùng phát không làm các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản bất ngờ. Hầu hết doanh nghiệp đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó nên vẫn duy trì hoạt động kinh doanh bình thường. TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, nếu dịch bệnh tiếp tục bùng phát, thị trường bất động sản cũng không bị ảnh hưởng quá lớn.

Thị trường không bị ảnh hưởng quá lớn

Phó tổng giám đốc Tuấn Minh Group Trương Hữu Quang không bất ngờ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại vì đã có sự chuẩn bị trước đó. “Chúng tôi vẫn duy trì hoạt động kinh doanh và đã có kế hoạch rõ ràng cho 6 tháng cuối năm cũng như giai đoạn tiếp theo. Từ rất sớm, chúng tôi đã chuyển sang hoạt động online, do đó không để xảy ra tình trạng nguồn nhân lực bị giảm nhiều và vẫn bảo đảm việc làm, tiền lương cho người lao động", ông Quang cho biết.

Nguồn: ITN

Dịch bệnh khiến doanh số quý I.2020 của Tập đoàn Đại Phúc Land giảm 50%. Quý II kết quả kinh doanh có phục hồi nhưng chưa cao, tuy vậy lượng lao động không giảm. Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, công ty đang thực hiện các dự án đầu tư tại TP Hồ Chí Minh, hướng tới nhu cầu nhà ở là chính. So với trước đại dịch, mức độ quan tâm của khách hàng đã hồi phục khoảng 50 - 70% nhưng tâm lý có phần thận trọng. “Dù dịch bệnh, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động đầu tư phát triển dự án, đồng thời có kịch bản điều chỉnh phù hợp khi xảy ra tình huống mới”, bà Hương chia sẻ. 

Theo Phó Tổng Giám đốc Hải Phát Land Đinh Thế Quỳnh, thị trường bất động sản có dấu hiệu tích cực trong quý II, thể hiện ở lượng giao dịch tăng so với cùng kỳ. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh rất lớn nhưng ông Quỳnh tin rằng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đã có kinh nghiệm từ đợt dịch trước, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sẽ tăng tốc trong quý III để về đích cuối năm. 

Tương tự, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định nếu dịch tiếp tục bùng phát, thị trường bất động sản cũng không bị ảnh hưởng quá lớn. Những sản phẩm bất động sản bảo đảm pháp lý, có chất lượng, phù hợp với lựa chọn của nhà đầu tư, người mua để ở vẫn có khả năng tiêu thụ. 

Số lượng sàn giao dịch bất động sản có xu hướng tăng

Báo cáo của Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản quý II.2020 cho biết, hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã bắt đầu hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp kinh doanh và phát triển bất động sản đã bắt đầu mở bán các dự án, công bố kế hoạch kinh doanh thời kỳ sau đại dịch cùng với kế hoạch tuyển dụng lao động và tìm kiếm nhân sự phù hợp cho kế hoạch lâu dài.

Trong quý I, các sàn giao dịch bất động sản chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, cao điểm có tới 80% sàn tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên bước sang quý II, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, các sàn giao dịch bất động sản đã phục hồi nhanh chóng và hầu hết đã hoạt động trở lại. Tính đến thời điểm này, ước tính khoảng 15% sàn vẫn phải đóng cửa hoạt động, nhưng số lượng sàn thành lập mới tăng khoảng 20%. Như vậy, sau đợt cao điểm của đại dịch Covid-19 thì số lượng sàn giao dịch bất động sản hoạt động gần như không thay đổi, thậm chí có xu hướng tăng.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cho biết, các sàn giao dịch có tiềm lực tài chính đã bắt đầu khởi động lại, hoạt động với những kế hoạch kinh doanh và phương thức kinh doanh mới như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, các sàn giao dịch bất động sản còn tập trung phát triển mạng lưới bán hàng tinh gọn, chuyên nghiệp, theo chiều sâu chứ không theo chiều rộng, ồ ạt, đại trà như trước kia.

Theo Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, thị trường bất động sản đang có lực cầu tốt nhưng cung lại yếu. “Điểm nghẽn bây giờ là thị trường đang chịu áp lực “kép” rất lớn của tình trạng “nội công, ngoại kích”, nghĩa là bên trong bị chi phối bởi những vấn đề liên quan đến chính sách, lệch pha cung cầu… bên ngoài chịu sự tác động của dịch bệnh”. Lúc này, Chính phủ nên quan tâm, đẩy nhanh hơn nữa việc tháo gỡ những bất cập, chồng chéo của những chính sách trong lĩnh vực bất động sản. “Nhiều doanh nghiệp nói họ không cần hỗ trợ, mà chỉ cần Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc chính sách để hoạt động sản xuất kinh doanh được khơi thông, tạo tiền đề thu hồi dòng vốn đầu tư”, ông Đính cho biết.

Hạnh Nhung