Dịch vụ công trực tuyến kho bạc sẽ về đích sớm

- Thứ Bảy, 11/07/2020, 06:10 - Chia sẻ
Tính đến hết ngày 30.6, hơn 84,6 nghìn đơn vị sử dụng ngân sách đã tham gia dịch vụ công trực tuyến kho bạc, đạt 91,5%; lượng chứng từ chi ngân sách nhà nước qua dịch vụ công trực tuyến chiếm trên 60% lượng chứng từ chi qua hệ thống TABMIS. Tại hội nghị sơ kết ngày 10.7, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, sẽ phấn đấu hoàn thành việc triển khai dịch vụ công trực tuyến tại tất cả đơn vị vào cuối tháng 10 tới, “về đích” sớm 2 tháng so với kế hoạch đầu năm.

Tập trung nhanh nguồn thu ngân sách

Ngày 10.7, KBNN tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Báo cáo của KBNN cho biết, 6 tháng đầu năm nay, KBNN các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu để tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách thường xuyên, liên tục cho các cấp có thẩm quyền phục vụ  điều hành thu ngân sách.

Toàn cảnh hội nghị
Ảnh: H. Lan

Bên cạnh đó, KBNN phối hợp với cơ quan thuế xây dựng mã định danh khoản thu; phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai thí điểm dịch vụ thu phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia tại 5 tỉnh, thành phố; tiếp tục mở rộng phối hợp thu và ủy nhiệm thu ngân sách bằng tiền mặt tại 4 ngân hàng thương mại cổ phần.

Những nỗ lực kể trên nhằm góp phần tập trung nhanh nguồn thu ngân sách, hỗ trợ người nộp thuế và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN. Tính đến hết ngày 30.6, thu ngân sách nhà nước đạt 668,6 nghìn tỷ đồng, bằng 44,22% dự toán, trong đó, thu nội địa 557,6 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô 20,9 nghìn tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 89,7 nghìn tỷ đồng.

Về công tác kiểm soát chi, một mặt, hệ thống kho bạc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, ưu tiên kiểm soát thanh toán nhanh, kịp thời kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mặt khác, hệ thống kho bạc cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên (chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài...) trong điều kiện thực hiện các giải pháp phòng, chống Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Trong 6 tháng đầu năm, hệ thống kho bạc đã thực hiện kiểm soát 455,8 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên, bằng 40,8% dự toán (đã bao gồm các khoản chi hỗ trợ Covid-19, không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng). Thông qua kiểm soát chi, các đơn vị KBNN đã phát hiện hơn 10,3 nghìn khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán là 10,3 tỷ đồng.       

Cũng trong nửa đầu năm nay, lũy kế vốn đầu tư giải ngân thuộc kế hoạch năm 2020 là 155,9 nghìn tỷ đồng, đạt 33,1% kế hoạch Quốc hội, Thủ tướng giao, đạt 30,2% kế hoạch vốn KBNN nhận được. Thông qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống kho bạc đã từ chối 15,9 tỷ đồng.        

Một kết quả nổi bật của hệ thống kho bạc chính là sự bứt phá ngoạn mục của dịch vụ công trực tuyến. Tính đến hết ngày 30.6, hơn 84,6 nghìn đơn vị sử dụng ngân sách đã tham gia dịch vụ công trực tuyến, đạt 91,5%; lượng chứng từ chi ngân sách nhà nước qua dịch vụ công trực tuyến chiếm trên 60% lượng chứng từ chi qua hệ thống TABMIS. Lãnh đạo KBNN cho biết, sẽ phấn đấu hoàn thành việc triển khai dịch vụ công trực tuyến tại tất cả đơn vị vào cuối tháng 10 tới, “về đích” sớm 2 tháng so với kế hoạch đầu năm.

Nộp ngân sách 1.000 tỷ đồng

Trên cơ sở kết quả hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước, 6 tháng đầu năm nay, KBNN đã nộp 1.000 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ vào ngân sách trung ương.       

Về công tác huy động vốn, do tác động của dịch Covid-19, thị trường tài chính tiền tệ trong nước và thế giới liên tục biến động, tác động trực tiếp đến công tác phát hành trái phiếu Chính phủ của KBNN. Để bảo đảm hoàn thành kế hoạch huy động vốn năm 2020, đồng thời, giữ lãi suất trái phiếu Chính phủ không biến động tăng mạnh và ổn định thị trường, KBNN đã chủ động phối hợp và đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bảo hiểm Tiền gửi tích cực tham gia đấu thầu trái phiếu. Nhờ đó, lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ không bị tăng đột biến, từng bước bám sát lãi suất giao dịch trên thị trường thứ cấp và KBNN tăng dần khối lượng vốn huy động đáp ứng nhu cầu chi của ngân sách. Tính đến ngày 30.6, KBNN đã huy động được 96,1 nghìn tỷ đồng đặt 31,1% kế hoạch năm; kỳ hạn phát hành bình quân là 14,01 năm; lãi suất phát hành bình quân là 2,99%/năm; kỳ hạn còn lại của danh mục là 7,67 năm.      

Theo đánh giá chung của lãnh đạo KBNN, nửa đầu năm nay, toàn hệ thống kho bạc đã đoàn kết, đồng lòng nghiêm túc chấp hành các chỉ đạo trong phòng, chống dịch Covid-19 và nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, đóng góp quan trọng cùng ngành tài chính thực hiện có hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm phát triển đất nước.

Từ nay tới cuối năm, KBNN tiếp tục tổ chức điều hành quản lý quỹ ngân sách nhà nước bảo đảm chặt chẽ, an toàn; tăng cường phối hợp để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân 100% vốn đầu tư xây dựng cơ bản; hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn năm 2020 được giao với mức lãi suất hợp lý, tiết kiệm chi phí vay cho ngân sách nhà nước và ổn định thị trường. Cùng với đó, hệ thống kho bạc sẽ tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020…

Hà Lan