Sổ tay

“Điểm danh” thôi chưa đủ

- Chủ Nhật, 19/05/2019, 07:50 - Chia sẻ
Chiều nay, 19.5, tức là chỉ một buổi trước phiên khai mạc Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XIV, Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ tiến hành Phiên họp toàn thể để thẩm tra chính thức dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Lý do của Phiên họp rất muộn này là bởi, hồ sơ dự luật được gửi đến Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội quá muộn so với thời hạn quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên dù cơ quan chủ trì thẩm tra có nỗ lực đến mấy, các công đoạn tiếp theo đều bị chậm lại.

Điều đáng nói là, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) không phải là hồ sơ duy nhất được trình QH tại Kỳ họp thứ Bảy bị chậm/muộn về tiến độ. Báo cáo tại Phiên họp thứ Ba mươi tư của UBTVQH hôm 9.5, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đến thời điểm đó, phần lớn các tài liệu Kỳ họp vẫn chưa được gửi đến ĐBQH, mới chỉ có 5 dự án Luật được trình QH theo quy trình thông qua được gửi xin ý kiến của các đoàn ĐBQH và các ĐBQH.

Có một tình huống khá quen thuộc tại nhiều phiên họp của cơ quan thẩm tra và cả tại phiên họp của QH là một số đại biểu thường nhấn mạnh các ý kiến phát biểu mới chỉ là bước đầu, trên cơ sở mới tiếp cận được hồ sơ, tài liệu hay giải thích vừa nhận được hồ sơ, tài liệu hôm qua, thậm chí nhận được ngay trước phiên họp, nên chưa kịp nghiên cứu kỹ… Thực tế cho thấy, việc chậm gửi tài liệu không chỉ là thách thức lớn đối với các cơ quan của QH trong việc thẩm tra, tiếp thu, giải trình mà còn là thách thức rất lớn đối với các ĐBQH trong việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến tại Kỳ họp. Bởi lẽ, đại biểu, đặc biệt là các đại biểu kiêm nhiệm, khi không có đủ thời gian vật chất cần thiết để tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ, tham chiếu các nguồn thông tin, tham vấn các chuyên gia và cử tri thì làm sao có thể đưa ra những phân tích, nhận định, đánh giá chính xác, thấu đáo, phản biện và tranh luận đến cùng với cơ quan soạn thảo, với các đại biểu khác, từ đó tìm ra phương án tối ưu?

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một số luật chuyên ngành đã có quy định cứng thời hạn bao nhiêu ngày phải gửi tài liệu, hồ sơ đến cơ quan của QH, đến QH. Từ năm 2017, VPQH đã phải tham mưu cho UBTVQH ban hành một văn bản “điểm danh” chi tiết tiến độ, tài liệu của từng dự án, từng cơ quan soạn thảo gửi đến các ĐBQH và các bộ, ngành nhằm nhắc nhở, đôn đốc các cơ quan tuân thủ đúng tiến độ chuẩn bị hồ sơ, tài liệu trình QH. Nhưng ngay cả như vậy thì câu chuyện chậm gửi hồ sơ, tài liệu đến các cơ quan của QH, các ĐBQH dường như vẫn không chuyển biến được bao nhiêu.

Rõ ràng, “điểm danh” hay nhắc nhở, đôn đốc thôi là chưa đủ. Phải truy đến ngọn nguồn của câu chuyện này: Vì sao, các nội dung trình QH đều đã có kế hoạch từ trước, như với các dự án luật thì dự kiến trình tại Kỳ họp nào đã có trước đó cả năm trời nhưng lãnh đạo các bộ, cơ quan, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo/chuẩn bị vẫn cứ “nước đến chân mới nhảy”? Vì trách nhiệm không rõ? Vì nếu không chuẩn bị kịp cũng chẳng sao? Hay còn vì lý do nào khác? Nếu không làm rõ được tiến độ chuẩn bị các nội dung trình QH tại Kỳ họp bị “ách” ở khâu nào, chậm ở đâu, chậm do ai, xử lý trách nhiệm thế nào thì e rằng, việc chậm gửi tài liệu Kỳ họp sẽ không thể khắc phục được. Và khi đó, áp lực bảo đảm chất lượng các nội dung trình Kỳ họp chắc chắn sẽ dồn ngược trở lại các cơ quan của QH, các ĐBQH.

Nguyễn Bình