Tọa đàm "Cho vay mua nhà ở xã hội – hiện thực hóa ước mơ an cư lạc nghiệp"

Điều chỉnh các nguồn vốn khác sang để thực hiện chính sách nhà ở xã hội

- Thứ Sáu, 09/11/2018, 17:58 - Chia sẻ
Để tăng nguồn vốn cho chính sách nhà ở xã hội cần điều chỉnh, chuyển một phần vốn giảm nghèo, vốn xây dựng nông thôn mới của các địa phương cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Nhà ở xã hội thời gian vừa qua đã đáp ứng được cho 100.000 người có thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn. Sau Luật Nhà ở, chúng ta có nghị định 100/2015/NĐ-CP và Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 25.1.2017 về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội - đây là văn bản hết sức nhân văn và có sức nặng quan trọng, nhấn mạnh lại toàn bộ hệ thống chính sách cho nhà ở xã hội. Trong đó, đề cập đến nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho người có công theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg và Quyết định 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo. 

Thủ tướng cũng đã đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư tham mưu sửa đổi, bổ sung, trình UBTVQH xem xét để trình QH sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1023/NQ-UBTVQH13 ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Trong quá trình triển khai chính sách nhà ở cho người có công gặp vướng mắc bởi vấn đề ngân sách nhà ở cho người có công, người thu nhập thấp lại chưa được bố trí vốn trung hạn để đưa vào Nghị quyết này. Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện hệ thống chính sách để bảo đảm cho vay thuận lợi. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ trì nhà ở xã hội chăm lo và giải quyết về chính sách đất đai.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện

Theo tôi, có 4 phương thức để tăng vốn cho chương trình nhà ở xã hội:

Một là, ở các địa phương như Bắc Ninh khi có nguồn thu nhập tốt, thì có thể dành khoản đó để chuyển cho NHCSXH. Đây là chính sách rất hay.

Hai là, bản thân các ngân hàng thương mại cần có chính sách thực hiện bù lãi suất cho phù hợp, vừa đảm bảo an toàn, độ mở và độ chắc chắn để ngân hàng thương mại thấy được lợi ích và tham gia vào thực hiện chính sách này. Mặc dù lãi suất có thể thấp hơn vốn thương mại khác nhưng ngân hàng thương mại vẫn có thể tham gia. Ngân hàng thương mại không có nghĩa là chỉ đi kinh doanh mà còn thực hiện chính sách xã hội. Thực tế có nhiều ngân hàng thương mại đã thực hiện tốt nhiệm vụ này.  

Ba là, cần làm sao để lồng ghép được các chương trình khác. Các địa phương đô thị hóa nhiều, có vốn giảm nghèo, vốn xây dựng nông thôn mới vậy tại sao chúng ta không điều chỉnh nguồn vốn này, chuyển một phần vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện nhà ở xã hội? Đương nhiên phải có vì chúng ta đang hưởng lợi từ các khu công nghiệp, mà xây dựng nông thôn mới thì phải gắn liền với chương trình này.

Bốn là, tính đến năm 2020, chúng ta thiếu 15.764 tỷ đồng, nếu chúng ta muốn tăng vốn nhưng lại vướng là trong vốn trung hạn chúng ta phân bổ xong. Thủ tướng yêu cầu sửa Nghị quyết 1023/NQ-UBTVQH13, sau đó sửa Quyết định 40/2015/QĐ-TTg nhằm bảo đảm căn cơ và lâu dài. Hiện giờ chỉ còn một “khe cửa hẹp”, đó là chúng ta cần xem xét khả năng bố trí được một phần vào vốn dự phòng được không? Vừa qua, trên diễn đàn QH, nhiều ĐBQH đã phát biểu, nhà ở xã hội, nhà ở khu công nghiệp là vấn đề rất cấp bách giống như lũ lụt, lở đất. Vậy cắt ra vài nghìn tỷ trong 180.000 tỷ đồng vốn dự phòng cho thực hiện vấn đề này thì vấn đề sẽ được giải quyết.  

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện
Chi An lược ghi