Định vị lại sản phẩm thủ công

- Thứ Tư, 15/07/2020, 06:01 - Chia sẻ
Trong khi rất nhiều kinh đô thời trang trên thế giới hết lời ca ngợi sản phẩm thủ công là xa xỉ (luxury), cao cấp (haute couture)... thì chất liệu vùng cao Việt Nam vẫn bị đánh đồng là “thổ cẩm dân tộc”, dẫn đến quy chụp là cũ, thậm chí lạc hậu, và không thời trang, không đương đại.

Giá trị và giá cả

"Giá thành cao, nhiều người yêu lắm nhưng không có khả năng dùng. Chị có nghĩ tới việc điều chỉnh một số khâu để giá thành vừa với túi tiền của số đông hơn không?" - “Tôi nghĩ một sản phẩm tiêu dùng mà chỉ được đánh giá dựa vào cạnh tranh giá cả là một sản phẩm rẻ tiền theo đúng nghĩa đen. Khi sự định giá chỉ dựa vào giá cả, nó cũng nhanh chóng bị phế thải. Còn với những sản phẩm sáng tạo cạnh tranh dựa vào chất lượng, mang những giá trị văn hóa, những giá trị thiết kế… người tiêu dùng có thể họ cân nhắc khi chi trả nhưng càng cân nhắc hơn khi vứt đi”. Đó câu trả lời mà nhà thiết kế (NTK) Vũ Thảo, người sáng lập Kilomet 109 - một trong những thương hiệu đầu tiên của địa hạt sáng tác theo phong cách thời trang bền vững - khi chia sẻ về chủ đề “Sản phẩm thủ công: Giá trị và giá cả”.

NTK Vũ Thảo lấy thiết kế thời trang đương đại tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ảnh: Kilomet109

Những năm gần đây, thủ công dần dần khẳng định vị thế. Ranh giới giữa thủ công, nghệ thuật và thiết kế gần như không còn. Sản phẩm thủ công ở một số quốc gia phát triển được coi trọng như mặt hàng xa xỉ, là dấu hiệu nhận biết về cao cấp hay thứ cấp, và đang được cả nhà nước, người chế tác và người tiêu dùng nâng niu, bảo vệ như những di sản văn hóa. Ở Việt Nam, việc nhìn nhận về các sản phẩm thủ công có được như vậy? Việc định giá sản phẩm thủ công dựa trên hệ giá trị gì? Trả giá cho sản phẩm thủ công thế nào mới thỏa đáng?...

NTK Vũ Thảo cho biết, năm 2012, chị quyết định tạo ra thương hiệu riêng, dựa trên 100% chất liệu tự nhiên, thông qua tiếp cận với các nhóm cộng đồng dân tộc như Thái, Nùng An, Mông xanh, Mông đen... Kilomet 109 kiên định với phương châm: Lấy thiết kế đương đại để tôn vinh nghề truyền thống, và dựa trên trải nghiệm trực tiếp từ khâu thô sơ nhất. Việc định giá dựa vào công sức lao động bỏ ra từ khâu làm nguyên liệu thô: Trồng trọt, dệt, nhuộm, cắt, may, thiết kế và giới thiệu sản phẩm. Chuỗi sản xuất gắn kết mật thiết với một loạt nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam có nguy cơ mai một như: Dệt lụa, dệt bông, dệt lanh, nhuộm chàm, nhuộm mặc nưa, mài đá, thêu thùa… “Tôi chủ trương minh bạch các khâu sản xuất, điều mà các nhãn hiệu thời trang lớn trên thế giới khó có thể làm được, thậm chí không thể làm được. Bằng việc kể chuyện về thiết kế như là ai đã làm ra chúng, chúng được làm như thế nào, có gì khác biệt... là cách để cung cấp kiến thức thực tế về thiết kế, làm tăng giá trị và tạo ra sự kết nối sâu giữa thiết kế với người tiêu dùng”.

Giá thành của Kilomet 109 khá cao so với thu nhập trung bình của người Việt, nhưng không phải là đắt đối với một sản phẩm thủ công. NTK Vũ Thảo lý giải: “Chu trình thủ công đã nghĩ đến tất cả nguy cơ có thể đối với một trang phục. Khi làm tự nhiên như nhuộm chàm, nhuộm đi nhuộm lại chính là đang bồi sợi, một số chu trình còn thêm thảo mộc chống gián, mối, làm tăng độ bền của vải. Tính cá nhân hóa cũng rất lớn, vì kể cả bậc thầy cũng không thể làm ra hai sản phẩm thủ công đồng nhất. Những yếu tố này khiến sản phẩm thủ công hoàn toàn vượt trội so với sản phẩm sản xuất hàng loạt”.

"Hãy lật ngược chiếc nón"

Theo NTK Vũ Thảo, làm thủ công là phương pháp tuân theo tự nhiên, hòa hợp với môi trường, với những quy luật khắt khe. Cô dẫn chứng, thường thì khổ vải của đồng bào dân tộc miền núi rất nhỏ, khó đáp ứng nhu cầu thiết kế cầu kỳ. “Tôi đã định cải tiến thách thức này bằng cách đầu tư máy móc cho cộng đồng mà tôi làm việc cùng, nhưng ngay lập tức tôi nhận ra đó là quyết định sai lầm. Khổ người, thói quen làm việc, tập tục văn hóa và thiết kế trang phục của họ hoàn toàn dựa vào khổ vải. Trong thiết kế thời trang, vì không tương thích nên số vải thừa bỏ đi có thể lên tới 20 - 30%, còn ở các dân tộc, khổ vải đó vừa vặn, không vứt đi đâu cả”.

Số lượng sản xuất vừa và nhỏ, cộng với chất liệu, quy trình khép kín và thân thiện là nhân tố quan trọng giữ được cân bằng sinh thái trong cộng đồng làm nghề thủ công. Ở đó, mỗi cộng đồng đều mang sắc thái riêng. Họ có thể sở hữu một đến nhiều kỹ thuật làm chất liệu khác nhau, từng phương pháp đều độc nhất vô nhị liên quan mật thiết đến lịch sử sắc tộc, bản ngã, cá tính con người. Đó là yếu tố văn hóa mà không sản phẩm thời trang công nghiệp nào có được. Do đó, trên thế giới, sản phẩm chế tác thủ công luôn là dòng cao cấp. Tuy nhiên, điều này dường như đang ngược lại ở Việt Nam, khi lâu nay lầm tưởng rằng sản phẩm cao cấp là làm bằng máy, kỹ thuật hiện đại.

Lắm lúc tôi không đủ kiên trì thuyết phục khách hàng trong vài tiếng đồng hồ là sản phẩm thủ công tốt hơn nhiều. Tôi chỉ kể câu chuyện về kỹ thuật làm thủ công. Có lẽ chỉ cách đó mới giúp những người không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp nhận thức được tại sao sản phẩm thủ công lại mang giá trị khác”. NTK Vũ Thảo cũng chia sẻ, muốn đóng góp cho nghề truyền thống, không nên quan tâm đến được - mất. Bởi lẽ, khi bạn muốn mua sản phẩm giá rẻ thì phải chấp nhận giá trị của nó không đầy đặn. Nghệ nhân hoàn toàn có cách xử lý giản đơn, bằng cách cắt bớt quy trình nghiêm ngặt để tạo ra sản phẩm thủ công rẻ.

Vị trí của nghề thủ công với thiết kế, nghệ thuật ngang nhau, nhưng “quá lâu rồi, nghệ nhân bị đặt ở phía dưới, còn trên cao là nhà thiết kế. Bây giờ, hãy lật ngược chiếc nón đó. Tất cả kỹ thuật đương đại đến mấy vẫn được thực hiện dựa trên phương pháp thủ công, bản thân thủ công đã bao hàm cả yếu tố nghệ thuật và thiết kế, ngược lại thì chưa chắc. Việt Nam may mắn khi còn giữ được nhiều nghề thủ công, vấn đề là chúng ta có mau chóng nhận ra nghịch lý này hay không”, NTK Vũ Thảo nhận định.

Hải Đường