Đồ họa tiếp cận thế giới

- Thứ Năm, 21/01/2016, 08:18 - Chia sẻ
Sự giao lưu, hội nhập với nước ngoài cùng điều kiện thuận lợi hơn về phương tiện vật chất ở trong nước là cơ hội để nghệ thuật đồ họa Việt Nam khởi sắc.

Đột khởi về hình thức

Theo họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương, Trưởng Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nói riêng về đồ họa tạo hình, những năm gần đây thể loại tranh in khắc đã có bước chuyển mình; tạo được sự đột khởi về hình thức. Nếu trước đây trong hoàn cảnh khó khăn, tranh khắc của ta hầu như chỉ là khắc gỗ và khắc thạch cao với khuôn khổ nhỏ, thì hiện nay số lượng tranh khắc đồng, khắc kẽm, tranh in độc bản, tranh in đá… đã tăng lên đáng kể, đặc biệt có thêm những kỹ thuật mới như in lõm cảm quang, in kỹ thuật tổng hợp, in litô giấy... Vài năm trở lại đây, đội ngũ người làm đồ họa đã phát triển khá nhanh, có thêm nhiều họa sĩ thiết kế trong các lĩnh vực đồ họa thương mại như quảng cáo, bao bì, nhãn hiệu, logo. Những nhân tố mới đã khiến cho đồ họa trở nên đa sắc hơn. Việc mở rộng giao lưu với họa sĩ quốc tế giúp nhiều họa sĩ trong nước có điều kiện tìm hiểu nghệ thuật và kỹ thuật đồ họa hiện đại. Đáng mừng là qua sự đổi mới về hình thức và ngôn ngữ nghệ thuật, một số họa sĩ đã bán được tác phẩm đồ họa ở thị trường trong nước, giải tỏa mối lo ngại về thị trường tiêu thụ.

Quá trình đưa đồ họa Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế, theo họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương, một trong những yếu tố quyết định là mô hình đào tạo và quan điểm nghệ thuật. Mô hình đào tạo mỹ thuật của Việt Nam được tiếp thu từ nước ngoài, cụ thể là Thái Lan, Thụy Điển, Canada, Trung Quốc… nhưng chương trình đào tạo của nước bạn rộng hơn và mở hơn. “Trong khi chương trình đào tạo đồ họa của Việt Nam dựa trên chương trình khung do Bộ GD - ĐT quy định, thì chương trình các nước được xây dựng theo định hướng phát triển của nhà trường và nhu cầu phát triển của từng vùng, từng thành phố đối với các loại hình nghệ thuật đó. Đặc biệt, họ thường xuyên đổi mới từ phương tiện kỹ thuật đến chất liệu thực hiện”.


Nắng In độc bản của Lê Phi Hùng 

Đào tạo mở

Từ năm 2008 đến nay, Khoa Đồ họa, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam đã thực hiện theo mô hình giáo dục sinh viên đồ họa có yếu tố ngoại, tức là, dựa trên cơ sở chương trình khung, đưa ra những điểm mở mà không vi phạm chương trình. Tuy nhiên, các môn học khó thực hiện do điều kiện cơ sở vật chất, thay vào đó tăng cường những môn học dễ thực hiện và mở rộng quan niệm nghệ thuật. Cụ thể, kỹ thuật in đá được thay bằng kỹ thuật in không cần phương tiện như in trổ khuôn, in lưới… Các môn học mới như Book Arts (nghệ thuật sách), Đồ họa sắp đặt cũng được đưa vào chương trình học. Nghệ thuật in độc bản mở rộng hình thức nhằm thay đổi cách làm cũ đơn điệu. “Thông thường một bức tranh là hai chiều, chúng tôi biến các bức tranh đó thành ba chiều. Cách làm này không chỉ tạo ra hình thức mới, mà còn tạo ra nhìn nhận mới cho sinh viên. Đó là, nghệ thuật không chỉ dừng ở điểm nào, nó có thể phát triển, mở tùy theo tưởng tượng, nhu cầu biểu hiện của sinh viên, của họa sĩ. Như thế, các em tự nhận thấy cách làm và ý tưởng sáng tạo quan trọng hơn dùng phương tiện gì, chất liệu gì. Vấn đề là, chúng tôi muốn đưa quan niệm này vào trong trường học” - họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương cho biết.

 Hướng dẫn sinh viên đồ họa có thể sử dụng tất cả vật liệu trong cuộc sống hằng ngày, như: phụ kiện gói hoa, thiếp mời, giấy mời, hay những vật thể tự nhiên (vỏ cây, lá khô, sợi dừa…), họa sĩ Vũ Đình Tuấn, giảng viên Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam mong muốn hướng tới sự thay đổi, chứ không dừng lại ở các khái niệm hàn lâm. “Trước đây, để có bản in lõm đúng, các em phải sử dụng bản đồng, bản kẽm, với chi phí cao. Đến nay, chúng tôi chỉ dùng mika kết hợp vỏ trứng, dây sợi, phần gỗ dán lâu ngày bỏ đi, để tạo ra bản in hoàn toàn bảo đảm chất lượng nghệ thuật, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thế hệ đương đại”. Đây cũng là một cách để sinh viên đồ họa sau khi ra trường có tính nhạy bén trong quá trình thực hành nghệ thuật và hòa nhập nhanh với thế giới.

 Họa sĩ LÊ HUY TIẾP, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội: Để đồ họa phát triển, vấn đề cơ bản vẫn là con người, cần tìm ra những người say mê, có tâm huyết, hoài bão thực sự để đào tạo. Bên cạnh dạy sinh viên nắm vững chất liệu đồ họa tạo hình cơ bản, thì phải mở rộng ngôn ngữ đồ họa tạo hình; khuyến khích sinh viên tìm tòi, thử nghiệm và mạnh bạo trong sáng tác. Trách nhiệm của những người thầy dạy đồ họa hiện nay rất lớn: Làm cho nghệ thuật đồ họa mang thẩm mỹ riêng, phản ánh cuộc sống xã hội một cách trung thực và đậm chất nghệ thuật.

Hương Sen