Làm thêm giờ của cán bộ y tế tại cơ sở y tế công lập:

Do thiếu nhân lực?

- Thứ Năm, 28/05/2020, 17:22 - Chia sẻ
Do thiếu hụt về nhân lực cục bộ, trong một số cơ sở y tế công lập các nhân viên y tế phải làm thêm giờ vượt quá thời gian quy định. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ trong những trường hợp này chưa được giải quyết thỏa đáng. Đây chính là nút thắt lớn cần phải được giải quyết để vừa bảo đảm quyền lợi của nhân viên y tế, vừa bảo đảm tuân thủ về thời giờ làm thêm theo quy định. Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo Thực trạng và kiến nghị chế độ làm thêm giờ của cán bộ y tế tại các cơ sở y tế công lập do Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp với Viện Công nhân và Công đoàn tổ chức sáng nay 28.5, tại Hà Nội.

35,7% lao động làm việc trên 48 giờ/tuần

Làm thêm giờ luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm, kể cả người lao động và người sử dụng lao động. Trong một số lĩnh vực, do đặc thù công việc, có thể dẫn đến tình trạng người lao động buộc phải làm thêm giờ, trong đó có lĩnh vực y tế.


Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội thảo

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, điều mong muốn đầu tiên của người lao động là có một việc làm tốt. Việc làm tốt gồm: môi trường làm việc, thu nhập, thời giờ làm việc. Thời giờ làm việc trở thành một trong những nội dung quan trọng trong tiêu chuẩn lao động và luôn là vấn đề mà người lao động quan tâm. Tuy nhiên, mỗi ngành có một đặc thù, đơn cử, ngành y tế có đặc thù trong công tác đào tạo vì thời gian đào tạo dài. Để có được cán bộ y tế nói chung và cán bộ y tế giỏi nói riêng cần một thời gian đào tạo dài và khó khăn. Điều đáng nói, y tế của chúng ta hiện nay phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, miền trong cả nước, trong khi nhu cầu của người dân đều mong muốn cán bộ y tế giỏi chăm sóc y tế cho mình. Đây là thách thức, đặt ra thực trạng bất công bằng về thời gian làm việc của nhiều cán bộ y tế. Có những cán bộ y tế gần như không đủ thời gian cho sinh hoạt cá nhân, trong khi có những cán bộ y tế khá rảnh rỗi, ông Hiểu nêu thực trạng.

Làm thêm giờ quy định khung cho tất cả các đối tượng thì ngành y tế và một số ngành khác liệu có đặc thù gì không? ông  Hiểu đặt vấn đề. Nếu chiếu vào quy định, thì nhiều bệnh viện sẽ bị cho là vi phạm quy định pháp luật về lao động, bởi cán bộ y tế phải làm thêm rất nhiều. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu nhân lực và quá tải cục bộ tại một số cơ sở y tế công lập.

Liên quan đến vấn đề làm thêm giờ, bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công Đoàn y tế Việt Nam cho biết, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), làm thêm giờ là một tình trạng phổ biến đối với người lao động trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nơi mà hệ thống chính sách cho người lao động chưa thực thi đầy đủ. Thời gian làm việc dài ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sự an toàn và sự cân bằng cuộc sống – công việc của người lao động.


Toàn cảnh hội thảo

Tại Việt Nam, theo báo cáo Điều tra lao động, việc làm năm 2018 của Tổng Cục Thống kê cho thấy, khoảng 43,7% lao động làm việc từ 40-48 giờ/tuần và con số đáng lo ngại đó là có tới 35,7% lao động làm việc trên 48 giờ/tuần. Khảo sát mới nhất của Công đoàn Y tế Việt Nam đối với 70 công đoàn cơ sở trực thuộc trong thời gian chống dịch Covid-19 cho thấy, số giờ làm thêm gia tăng đáng kể, trung bình 3,65 giờ/ngày đối với đơn vị trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch Covid -19, đặc biệt là tại các cơ sở y tế thực hiện khám, chữa bệnh.

Không chỉ khi xảy ra dịch bệnh, ngay cả khi chưa có dịch Covid- 19 xảy ra, môi trường làm việc của cán bộ y tế nói chung và điều dưỡng, nữ hộ sinh nói riêng vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy hại đến sức khỏe. Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách năm 2019 cũng cho thấy 87,4% cán bộ y tế cho rằng công việc luôn đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm cao, áp lực công việc nặng nề, căng thẳng hơn rất nhiều so với các ngành khác, môi trường độc hại, nguy hiểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp và phơi nhiễm bệnh tật. Thời điểm làm việc thường xuyên trái với quy luật sinh học (trực đêm) và phải làm cả trong những dịp nghỉ lễ, tết, mưa bão, bà Bình thông tin thêm.

Xây dựng chỉ số nhân lực y tế theo người bệnh

Thực tế cho thấy, một số cơ sở y tế nhân lực bị quá tải bởi số lượng bệnh nhân gia tăng. Trong khi đó, nhân lực y tế không được bổ sung, dẫn đến tình trạng cán bộ, nhân viên y tế phải làm thêm giờ một cách “bất đắc dĩ”.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Bình cho rằng, thời gian làm việc thêm giờ vẫn còn nhiều bất cập. Đa số chính sách đã được xây dựng cách đây trên dưới 10 năm, trong đó có Thông tư 08/TTLT -BNV-BTC ngày 5.1.2005 về hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định số 73/2011/QĐ -TTg ngày 28.12.2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

Nhiều chính sách đã trở nên lạc hậu nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời đã làm cho một số nhân viên y tế tâm tư. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho thấy, có 65% cán bộ y tế cho rằng, lương, các chế độ phụ cấp và thu nhập tăng thêm tại đơn vị chỉ bảo đảm được một phần đời sống của gia đình và bảo đảm không đáng kể (22%). Chỉ có 38% cán bộ y tế bày tỏ sự hài lòng đối với công việc hiện tại; 59,7% cho biết do chế độ tiền lương không thỏa đáng; 24,8% là do chế độ phụ cấp chưa thỏa đáng.

Nhấn mạnh ngành y tế là ngành lao động đặc thù, nguy cơ lây nhiễm cao, ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hiệp hội điều dưỡng Việt Nam cho rằng, làm thêm giờ nhiều tác động rất lớn đến sức khỏe của nhân viên y tế. Ngoài ra, việc quá tải cục bộ do thiếu nhân lực sẽ dẫn đến hậu quả người bệnh không được chữa trị kịp thời trong khi đối với ngành y, thì “thời gian vàng” là rất quan trọng để cứu sống bệnh nhân.

Nhiều ý kiến cho rằng, để vừa bảo đảm quyền lợi của nhân viên y tế, vừa không bị cho là vi phạm quy định pháp luật, cần phải sửa đổi các chính sách đối với đội ngũ này. Cùng với đó, cần đưa ngành y tế vào danh mục là ngành được phép làm việc thêm giờ từ 200 – 300 giờ. Nhân viên y tế thường trực cấp cứu 24/24 giờ nên cho nghỉ bù từ 12 giờ ngày hôm trước đến 12 giờ ngày hôm sau để bảo đảm đúng quy định của pháp luật lao động. Đặc biệt, để giải quyết căn bản tình trạng quá tải buộc nhân viên y tế phải làm thêm “bất khả kháng” cần phải xây dựng chỉ số nhân lực y tế theo người bệnh. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để bảo đảm quyền lợi được chăm sóc của người bệnh. 

Hà An