Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng, chống xâm hại trẻ em làm việc với Trung tâm công tác xã hội Nghệ An

- Thứ Sáu, 17/04/2020, 10:36 - Chia sẻ
Sáng 23.8, tiếp tục chương trình làm việc, Đoàn giám sát của QH do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của QH, đã chủ trì cuộc làm việc với Trung tâm công tác xã hội Nghệ An về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Cùng dự có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Nghệ An Lê Trung Thực.


Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo của Trung tâm Công tác xã hội Nghệ An cho biết: Trung tâm công tác xã hội Nghệ An tiền thân là Trung tâm nhân đạo Nghệ An thành lập vào năm 1997 do ông Lê Trung Thực  sáng lập và xây dựng nên theo Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 10.6.1997 của UBND huyện Đô Lương. Năm 2012, thực hiện Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ và các chức năng nhiệm vụ của ngành, ngày 25.4.2012 UBND tỉnh ban hành Quyết định chuyển Trung tâm nhân đạo Nghệ An thành Trung tâm công tác xã hội Nghệ An. Trung tâm có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ khẩn cấp; tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho đối tượng; tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội phối hợp các cơ quan, tổ chức phù hợp khác để bảo vệ, trợ giúp đối tượng, tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc; tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn, không tự lo được cuộc sống và không có điều kiện sinh sống tại gia đình và cộng đồng…

Từ ngày thành lập đến nay, sau hơn 20 năm, hàng chục nghìn học sinh học nghề các loại đã ra trường hiện đã có việc làm ổn định, đây là mái ấm cho hàng trăm đối tượng đặc biệt như: trẻ bị mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ và các đối tượng xã hội đặc biệt khác…


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đại diện trao quà cho Trung tâm công tác xã hội tỉnh Nghệ An

Báo cáo của Trung tâm cũng cho biết: Trong giai đoạn 2015 đến tháng 6.2019 qua mạng lưới điện thoại của đường dây 1900565605, trung tâm đã tiếp nhận thông tin 619 trường hợp. Trong đó, tư vấn 566 trường hợp, tố giác và xử lý 53 trường hợp, đến nay 53 trường hợp đã được trợ giúp hầu hết các em đã ổn định về tâm sinh lý cũng như sức khỏe. Đối tượng xâm hại đều được làm rõ hành vi phạm tội của mình và bị xử lý theo đúng pháp luật.

Thời gian qua, Trung tâm đã tiếp nhận, xử lý 23 trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó năm 2015 có 4 trường hợp; năm 2016 có 4 trường hợp; năm 2017 có 7 trường hợp; năm 2018 có 2 trường hợp; năm 2019 có 6 trường hợp. Số trẻ bị bỏ rơi là 7 trường hợp, trong đó năm 2016 có 1 trường hợp, năm 2017 có 3 trường hợp; năm 2019 có 3 trường hợp. Trung tâm cũng tiếp nhận, xử lý số trẻ bạo hành 19 trường hợp…

Trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em, Trung tâm còn gặp những khó khăn, vướng mắc, vì nhận thức của cộng đồng về vấn đề này còn hạn chế, có nhiều tư tưởng lạc hậu, thường sợ ảnh hưởng đến con cái của họ vì thế mà cha mẹ, người thân che giấu. Mặt khác, đối tượng xâm hại chủ yếu là người thân quen, thậm chí là người trong gia đình, dòng tộc. Do đó, việc tố giác tội phạm còn gặp nhiều khó khăn. Một số trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, do các cháu sống ở gia đình, cộng đồng trước đây không được chăm sóc, quan tâm chu đáo, đã trải qua nhiều biến cố, các cháu thường sống nội tâm, e dè ít giao tiếp, nên khi tiếp cận để các cháu nói ra những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng cũng gặp nhiều khó khăn. Đòi hỏi người làm công tác quản lý, chăm sóc các em phải kiên trì, sự đồng cảm và có tình thương thực sự.


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thăm trẻ em mồ côi được chăm sóc tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Nghệ An

Bày tỏ sự cảm động trước sự nhiệt huyết, tình cảm của đội ngũ nhân viên, đặc biệt là tấm lòng nhân ái của Giám đốc Trung tâm đã dành cho Trung tâm trong công tác xã hội, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao những kết quả Trung tâm đã đạt được. Có được kết quả này là do có sự quan tâm của tỉnh Nghệ An, chính quyền địa phương, thể hiện chính sách nhân văn của Nhà nước trong công tác xã hội.

Nhấn mạnh điều này, Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để Trung tâm trở thành mái ấm cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có đối tượng trẻ em. Cùng với đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An tổ chức những lớp tập huấn để nâng cao hơn nữa kiến thức cho cán bộ, nhân viên Trung tâm về công tác xã hội, trong đó có chăm sóc và bảo vệ trẻ em… 

Hà An