Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng, chống xâm hại trẻ em làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An

- Thứ Năm, 22/08/2019, 19:23 - Chia sẻ
Chiều 22.8, Đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của QH, đã chủ trì cuộc làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh; Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Hoàng Viết Đường.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước xác định là chính sách ưu tiên hàng đầu trong bảo đảm an sinh xã hội. Thời gian qua, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng đã được nhiều kết quả tích cực. Trong những năm gần đây, quan điểm chính sách và thực hiện quyền trẻ em đã tiếp cận được với xu hướng tiến bộ trên thế giới, Việt Nam tham gia nhiều công ước về bảo vệ trẻ em.

Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Tình trạng trẻ em bị xâm hại, nhất là bạo lực học đường, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục đang diễn ra ngày càng nhiều, tính chất phức tạp, nghiêm trọng, để lại những hậu quả vô cùng nặng nề cho các em nhỏ là nạn nhân. Nhiều vụ việc rất đau lòng, gây bức xúc, lo lắng trong dư luận xã hội; đối tượng xâm hại có cả chính những người ruột thịt như ông bà, bố mẹ, cả những người có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, dậy dỗ các em như thầy giáo, cô giáo, nhân viên y tế.


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại buổi làm việc

Nhấn mạnh Luật Trẻ em có nội dung tương đối tiến bộ, tiếp cận với tư tưởng tiến bộ trong bảo vệ trẻ em mang tính quốc tế, Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga đề nghị Nghệ An cần đánh giá việc triển khai thi hành luật này như thế nào? Công tác chấp hành pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em ra sao, những mặt tích cực, tồn tại là gì, nguyên nhân của những tồn tại do đâu? Do quy định của pháp luật thiếu khả thi, hay do khâu thực hiện? Đây là những căn cứ quan trọng, làm cơ sở để đưa ra các giải pháp khắc phục. 

Trình bày báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của UBND tỉnh Nghệ An, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đoàn Hồng Vũ cho biết: Trong giai đoạn 2015 đến tháng 6.2019, Nghệ An đã ban hành 71 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác trẻ em nói chung, trong đó có 28 văn bản về phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Số lượng trẻ em bị xâm hại là 113 em, số trẻ bị xâm hại là nữ là 108 em, số trẻ em bị xâm hại là nam có 5 em. Trong đó, có 82 em bị xâm hại tình dục, 26 trẻ em bị mua bán, 5 em bị các hình thức gây tổn hại khác… Mặc dù, các cấp, các ngành, địa phương đã quan tâm đến công tác bảo vệ chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là phòng, chống xâm hại trẻ em, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có sự phối hợp chặt chẽ để điều tra, truy tố và đưa ra xét xử kịp thời một số vụ án xâm hại trẻ em, nhưng tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, bạo lực học đường vẫn còn diễn ra tại một số trường học. Một số vụ có tính chất nguy hiểm, gây thương tích, một số thầy cô giáo có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em để lại dư luận không tốt trong xã hội.

Về công tác hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trong giai đoạn 2015-2019, toàn tỉnh đã áp dụng biện pháp can thiệp 113 em, bảo đảm các vụ án xâm hại và mua bán trẻ em được can thiệp, xử lý kịp thời, đúng người đúng tội, không có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý nghiêm các vụ xâm hại trẻ em.

Báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, như công tác truyền thông vận động, nâng cao nhận thức cho người dân và cho trẻ em, học sinh về chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, cũng như những vấn đề liên quan đến giới tính, tâm sinh lý lứa tuổi trẻ em chưa rộng khắp, có nơi còn hạn chế. Một số gia đình thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và hạn chế hiểu biết về luật pháp và các hành vi vi phạm quyền trẻ em, chưa nhận thức được trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Kinh phí đầu tư cho việc thực hiện các chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em chưa nhiều…

Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả Nghệ An đã đạt được trong phòng, chống xâm hại trẻ em. Cho rằng một trong những khó khăn trong giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục trẻ em, có nguyên nhân từ khó khăn trong giám định tư pháp, thành viên Đoàn giám sát đặt vấn đề, ở Nghệ An việc giám định tư pháp có vướng mắc gì không? Những trường hợp xâm hại trẻ em xảy ra chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở vùng sâu, vùng xa có đặc thù gì không? Đoàn giám sát cũng đặt vấn đề, Nghệ An được xác định là “điểm nóng” về mua bán người, vậy Nghệ An đã xử lý được trường hợp nào về mua bán người chưa?


Toàn cảnh buổi làm việc

Trả lời những vấn đề thành viên Đoàn giám sát đặt ra, ĐBQH, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho biết, do được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ nên hoạt động điều tra, truy tố xét xử các vụ án xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục, thực hiện tương đối tốt, không có vụ nào trả hồ hồ sơ điều tra bổ sung, không có vụ nào bị quá hạn, không có oan sai…

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao những kết quả UBND tỉnh Nghệ An đã đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em thời gian qua.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga đề nghị, Nghệ An cần có sự đổi mới trong tuyên truyền pháp luật cho phù hợp với từng địa bàn, trong đó có khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, cần có sự phối hợp, vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan liên quan. Đồng thời, cần có dự báo về tình hình xâm hại trẻ em để đưa ra các giải pháp phù hợp. Cần xem xét tiến hành thanh tra chuyên ngành về thực hiện chính sách, pháp luật về xâm hại trẻ em, bố trí kinh phí, huy động xã hội hóa, bảo đảm thực hiện công tác này hiệu quả hơn…

Tin và ảnh: Hà An