Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An

- Thứ Sáu, 19/07/2019, 15:02 - Chia sẻ
Ngày 19.7, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đối với ngành công nghiệp năng lượng, vật liệu xây dựng và chế biến thực phẩm. Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh, Trưởng đoàn giám sát, chủ trì buổi làm việc.

Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng, thành viên Đoàn giám sát, đại diện các Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, trên địa bàn hiện có 32 dự án thủy điện đã được quy hoạch, 187 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản liên quan đến vật liệu xây dựng, 33 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng quy mô lớn, 43 cơ sở chế biến thực phẩm. Từ năm 2015 - 2018, ngân sách cấp tỉnh, huyện đều tăng dần bố trí chi cho hoạt động sự nghiệp môi trường, đến năm 2018 đã bố trí 163 tỷ đồng cho thực hiện nhiệm vụ này. UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, chính quyền địa phương đã quan tâm tổ chức tuyên truyền, tập huấn về bảo vệ môi trường.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng phát biểu tại buổi làm việc

Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng thẳng thắn nêu rõ một số hạn chế về quản lý nhà nước như: còn thiếu cơ chế ràng buộc, quy trách nhiệm nên một số sở, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm; có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trùng lặp, chồng chéo; chưa tích cực đôn đốc thực hiện kết quả thanh tra…

Qua thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, UBND tỉnh Nghệ An nhận thấy, các doanh nghiệp đều chú trọng thực hiện bảo vệ môi trường, chấp hành quy định pháp luật liên quan, nhất là những doanh nghiệp lớn thuộc đối tượng phải báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Theo UBND tỉnh Nghệ An, một số doanh nghiệp lập hồ sơ, thủ tục về bảo vệ môi trường còn sơ sài, chưa đúng quy định, thậm chí chưa thực hiện quan trắc môi trường định kỳ và gửi báo cáo về cơ quan quản lý nhà nước về môi trường theo quy định. Tình trạng đổ, chôn lấp trái phép chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra, nhất là chất thải rắn công nghiệp. Ô nhiễm bụi bẩn do vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất của một số nhà máy chậm được khắc phục, gây bức xúc trong nhân dân. Ngoài ra, các đơn vị sản xuất chưa chú trọng đúng mức về thực hiện xây dựng kế hoạch phòng ngừa sự cố, thậm chí đã có một số đơn vị để xảy ra sự cố về môi trường (tràn nước thải sau mưa lũ) gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân.

Từ thực tế áp dụng pháp luật tại địa phương, UBND tỉnh Nghệ An đề xuất, cần sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 theo hướng phân cấp cho địa phương phê duyệt danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Luật Tài nguyên nước năm 2012 để làm rõ trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải phát sinh lòng hồ thủy điện do mưa lũ trôi dạt từ thượng nguồn về của các bên liên quan. Ngoài ra, trước tình trạng nhiều cơ sở đã đi vào hoạt động nhưng không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục pháp lý thực hiện, để tránh ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng đoàn giám sát Trần Văn Minh cho rằng, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Nghệ An đã quan tâm chỉ đạo việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Nghệ An cũng là một trong số ít địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng báo cáo, thể hiện ý thức trách nhiệm và năng lực chuyên môn tốt. Trên địa bàn tỉnh không có vụ việc vi phạm nghiêm trọng, người dân cũng có ý kiến về một số đơn vị gây ô nhiễm môi trường, song không gay gắt như một số địa phương khác. "Các địa phương làm công tác bảo vệ môi trường tốt, thì các cơ quan trung ương sẽ yên tâm thực hiện chức phận của mình, được người dân ủng hộ" - Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh.

Trưởng đoàn giám sát đề nghị, UBND tỉnh Nghệ An cần quan tâm chỉ đạo quản lý chất thải, nhất là quản lý chất thải nguy hại, rà soát thẩm quyền, phân công quản lý giữa các sở, ngành trên địa bàn tỉnh; tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra, đặc biệt chú ý tiến hành hậu kiểm. Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trong danh sách giám sát khắc phục tồn tại được Đoàn giám sát chỉ ra trong các buổi làm việc với họ. Trưởng đoàn giám sát cũng ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Nghệ An về sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật liên quan.

Tin và ảnh: Phương Thủy