Doanh nghiệp dệt may “đói” đơn hàng

- Thứ Tư, 05/08/2020, 08:14 - Chia sẻ
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho biết, mọi năm, vào thời điểm này các doanh nghiệp bắt đầu ký đơn hàng mới để sản xuất cho mùa xuân, nhưng hiện tại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp “đói” đơn hàng. Khả năng 6 tháng cuối năm nay, nhất là quý IV và có thể sang đầu năm 2021, doanh nghiệp sẽ thiếu việc làm và khoảng 50% trong số 5 triệu lao động ngành dệt may sẽ thất nghiệp.

50% lao động dệt may có thể mất việc

- Tình hình ngành dệt may hiện ra sao thưa ông?  

- Toàn ngành dệt may đang rất báo động trong việc thiếu hụt đơn hàng. Mọi năm, khoảng tháng 7 - 8 là doanh nghiệp dệt may bắt đầu ký đơn hàng để sản xuất hàng mùa xuân nhưng hiện nay do dịch Covid-19 nên hầu như khách hàng hầu như chưa tới. Tất cả các đơn hàng hiện nay là hàng sản xuất trong tháng 9 để bán cho mùa đông. Đơn vị nào có nhiều đơn hàng thì mới có năng lực sản xuất của quý IV, còn lại hầu hết doanh nghiệp vẫn đang thiếu đơn hàng.

- Dịch bệnh Covid-19 quay lại nước ta sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngành dệt may?

-  Dệt may là ngành đặc thù, hướng tới xuất khẩu là chính. Năm ngoái, dệt may xuất khẩu gần 40 tỷ USD, các thị trường chính là châu Âu, Nhật Bản, Mỹ và cả ba thị trường này đều đang đối mặt với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không tránh khỏi tác động của đại dịch. Theo dự đoán của chúng tôi, khả năng 6 tháng cuối năm nay, nhất là quý IV và có thể sang đầu năm 2021 các doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thiếu việc làm. Trong khi đó số lượng lao động trong ngành dệt may lên tới khoảng 5 triệu người và dự kiến khoảng 50% phải chịu cảnh mất việc. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề rất lớn mà Chính phủ cần quan tâm.

Nguồn: ITN

Khó tận dụng cơ hội từ EVFTA

- Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa có hiệu lực liệu có giúp ngành dệt may giảm bớt khó khăn hiện nay không?

- Nếu đánh giá chung sẽ thấy có rất nhiều cơ hội tốt cho ngành dệt may khi EVFTA được thực thi. Bởi trong thời gian từ 1, 2 cho đến 5 năm, khả năng tất cả dòng hàng dệt may vào châu Âu có thể được giảm thuế về 0% nhưng với điều kiện phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ.

Tuy nhiên, ngành dệt may nước ta đang phát triển mất cân đối, cụ thể, rất mạnh về may mặc, sợi thuộc diện trung bình khá, nhưng dệt và nhuộm lại yếu. Khoảng 60% - 70% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ các nước không nằm trong danh sách EVFTA quy định. Vì vậy, nói chung ngành dệt may Việt Nam rất khó tận dụng cơ hội này để bứt phá.

Về lâu dài, để tận dụng tối đa cơ hội Hiệp định EVFTA mang lại, Nhà nước cần có những ưu đãi cho các nhà đầu tư của ngành dệt, nhuộm, nhất là nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc)... bởi họ có công nghệ dệt, nhuộm rất phát triển và hơn hết là họ có vốn. Hiện nay, hầu như doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ vốn để đầu tư lĩnh vực này.

- Để vượt qua khó khăn, ngành dệt may cần được hỗ trợ những gì ở thời điểm này?

 - Theo tôi, Nhà nước nên miễn phí bảo hiểm xã hội và phí công đoàn bởi khoản này chiếm một phần lớn trong chi phí của doanh nghiệp. Đơn hàng ít, lo trả lương cho người lao động đã rất nan giản, cộng thêm phí bảo hiểm và phí công đoàn thì doanh nghiệp khó khăn chồng chất khó khăn. Nếu không giải quyết được điều này, có thể dẫn đến tình trạng sa thải lao động hàng loạt. Cũng không nên đặt vấn đề tăng lương tối thiểu của năm nay vì đây cũng là cơ sở để tăng phí bảo hiểm xã hội và phí công đoàn.

Bên cạnh đó, ngành dệt may nước ta vẫn mang tính gia công cao, hầu hết công đoạn dựa trên kỹ năng của người lao động. Vì vậy, đào tạo kỹ năng cho người lao động để nâng cao năng suất, tăng khả năng cạnh tranh là rất cần thiết và Nhà nước nên hỗ trợ kinh phí để doanh nghiệp làm việc này.

Nhà nước cũng nên có những chính sách ưu tiên về thuế, đất và lập ra những vùng có hệ thống xử lý nước thải tốt để doanh nghiệp dệt nhuộm tập trung sản xuất ở đó. Như vậy mới tạo ra được nguyên phụ liệu chất lượng cung cấp cho ngành dệt may và đẩy nhanh khả năng cạnh tranh.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Trang thực hiện