Doanh nghiệp “khỏe” được không?

- Thứ Năm, 09/07/2020, 05:39 - Chia sẻ
Theo quy định, không thanh tra quá một lần trong năm, nhưng ngay tại Thủ đô Hà Nội, có những doanh nghiệp làm thương mại một quý phải đón 18 đoàn thanh tra. Thông tin được ông Phạm Đình Vũ - Chánh Văn phòng VCCI đưa ra tại cuộc họp Hội đồng các Hiệp hội doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, khiến chúng ta không khỏi lo lắng cho “sức khỏe” của doanh nghiệp.

Liệu doanh nghiệp có phát triển được sản xuất, kinh doanh khi suốt ngày phải lo tiếp các đoàn kiểm tra, thanh tra? Điều đáng nói, kết quả thanh tra chỉ phát hiện doanh nghiệp đó nhập 4kg hoa quả không xuất xứ nguồn gốc, phạt 18 triệu đồng. Với số lần thanh tra nhiều mà kết quả thu được từ các lần thanh tra như vậy có đáng không? "Chừng nào chúng ta chưa khắc phục được những hạn chế đó, những rào cản đó không dỡ bỏ được thì liệu rằng doanh nghiệp tham gia được vào “cao tốc” hay không? bứt phá hay không?", ông Vũ đặt câu hỏi?

Chúng ta hoàn toàn chia sẻ với băn khoăn của ông Phạm Đình Vũ. Bởi lạm dụng thanh tra, kiểm tra đã trở thành vấn đề bức xúc của không ít doanh nghiệp. Có lãnh đạo một doanh nghiệp từng phản ánh rằng, trong một tháng, công ty của ông phải tiếp 7 đoàn thanh tra, kiểm tra khác nhau. Doanh nghiệp thậm chí phải lập riêng một bộ phận chuyên để tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra. Cũng có chủ doanh nghiệp chia sẻ, buộc phải “rắn” thì mới hạn chế được đoàn “định” đến kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp!

Việc tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp là rất cần thiết, nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật... Tuy nhiên, nếu lạm dụng việc thanh tra, kiểm tra để làm khó doanh nghiệp thì cần phải kiên quyết xử lý. Bởi theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng, khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp. Không lẽ, Thủ tướng đã có chỉ đạo, mà cấp dưới lại không tuân thủ?

Đại dịch Covid-19 đã, đang và vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, lực lượng doanh nghiệp là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, hiện đang bị tổn thương nặng nề. Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Do đó, hơn lúc nào hết, Nhà nước cần có “phao” hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chiếc “phao” dành cho doanh nghiệp lúc này không chỉ là chính sách hỗ trợ “tiền tươi, thóc thật” bằng các gói hỗ trợ, mà còn bởi những cải cách thể chế giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách bền vững. Theo đó, cần cắt bỏ các rào cản thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp.

Chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách để giúp doanh nghiệp vượt khó bởi đại dịch. Kỳ họp thứ Chín vừa qua, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Theo đó, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Chính phủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp sau dịch Covid-19.

Mới đây, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế các cấp không kiểm tra định kỳ năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm, tiến tới thanh, kiểm tra điện tử, trên cơ sở sử dụng tối đa cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ngành thuế đã làm được, còn các ngành khác còn lại thì sao?

Đây là những chủ trương, chính sách hỗ trợ rất thiết thực đối với doanh nghiệp từ phía Quốc hội, Chính phủ và một số bộ, ngành. Tuy nhiên, sẽ là chưa đủ nếu chúng ta chưa xử lý trách nhiệm về việc lạm dụng thanh tra, kiểm tra để làm khó doanh nghiệp. Đừng để doanh nghiệp phải “nặng gánh hai vai”, vừa lo sản xuất, kinh doanh, vừa phải lo tiếp thanh tra, kiểm tra. “Sức khỏe” doanh nghiệp sẽ ra sao, khi chỉ trong một quý phải tiếp đến 18 đoàn thanh tra?

Lê Hùng