Ngành viễn thông với EVFTA

Doanh nghiệp ngoại không dễ vào

- Thứ Năm, 31/10/2019, 07:43 - Chia sẻ
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được cho là không tác động mạnh đến ngành viễn thông trong nước. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt cũng không dễ thâm nhập vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Doanh nghiệp nội đã giữ vững thị trường

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), EVFTA không phải là hiệp định đầu tiên có cam kết mở cửa về thị trường viễn thông. Trước đó, chúng ta đã có cam kết trong ASEAN và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong lĩnh vực viễn thông, EVFTA chia thành 2 nhóm: Dịch vụ viễn thông cơ bản và dịch vụ gia tăng. Hai nhóm dịch vụ này được chia tiếp theo 2 phương thức cung cấp là có hạ tầng mạng và không có hạ tầng mạng.

Đối với việc đầu tư dịch vụ viễn thông cơ bản, nếu không có hạ tầng mạng, EVFTA cho phép các doanh nghiệp EU được liên doanh cùng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Việt Nam với tỷ lệ vốn nước ngoài từ 65% - 70%. Tỷ lệ này có thể tăng lên 75% sau 5 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực.  Nếu có hạ tầng mạng, doanh nghiệp EU được liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép tại Việt Nam với phần vốn góp không vượt quá 49% vốn pháp định.


Nguồn: ITN

Đối với việc đầu tư dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, nếu không có hạ tầng mạng, sau 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, liên doanh được phép nâng tỷ lệ vốn nước ngoài đến 100%. Tỷ lệ này tối đa là 65% trong trường hợp liên doanh có sở hữu hạ tầng mạng.

Với các dịch vụ cung cấp qua biên giới cho khách hàng tại Việt Nam, nhóm dịch vụ hữu tuyến và di động mặt đất, các nhà cung cấp dịch vụ từ EU được cung cấp dịch vụ không hạn chế, nhưng phải thông qua thỏa thuận thương mại với một tổ chức được thành lập ở Việt Nam và cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế. Với dịch vụ viễn thông vệ tinh, các nhà cung cấp dịch vụ từ EU phải thông qua thỏa thuận thương mại với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh quốc tế Việt Nam được cấp phép, trừ một vài trường hợp cụ thể.

Đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quý Quyền cho rằng, khi EVFTA có hiệu lực thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng không dễ “nhảy” vào sân chơi dịch vụ viễn thông, bởi các doanh nghiệp trong nước đã giữ vững thị trường và có nội lực rất tốt. Đến nay mới chỉ có duy nhất một liên doanh viễn thông là Vietnam Mobile nhưng thị phần của liên doanh này cũng không lớn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Nguyễn Thế Bình cho biết, Việt Nam hiện có 63 doanh nghiệp viễn thông, trong đó có một số thương hiệu khá mạnh, đã sẵn sàng cạnh tranh với các nhà đầu tư EU. Hơn nữa, doanh nghiệp viễn thông trong nước đã khá chủ động khi chuyển dịch sang các hình thức là những nhà cung ứng dịch vụ chuyển đổi số, bao phủ được nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân chứ không chỉ là nhà viễn thông truyền thống, cung cấp các dịch vụ kết nối, điện thoại cơ bản. Theo ông Bình, thị trường mà doanh nghiệp nước ngoài có thể tham gia được là các dịch vụ giá trị gia tăng trên Internet như nội dung số, cung ứng các dịch vụ như âm nhạc, phim ảnh.

Cần có năng lực cạnh tranh tốt hơn

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp trong nước liệu có đặt chân sang thị trường EU hay không?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Nguyễn Thế Bình cho rằng, đưa dịch vụ viễn thông của Việt Nam sang EU là một thách thức lớn bởi ở thị trường này, ngành viễn thông đã rất phát triển. Trong khi đó, viễn thông vẫn được coi là lĩnh vực mới ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang lúng lúng trước bối cảnh đất nước mở cửa sâu rộng và Nhà nước cũng chưa có hành lang pháp lý đầy đủ với những ngành nghề mới này.

Ngoài ra, cơ chế quản lý cũng là trở ngại lớn với doanh nghiệp viễn thông. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập phân tích: viễn thông là ngành nhạy cảm, vì vậy các cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh có nhiều ràng buộc riêng và chặt hơn so với nhiều ngành nghề khác. Thêm vào đó, đây là ngành có nhiều đặc thù trong cạnh tranh, vì vậy, cơ chế quản lý cũng bao gồm nhiều hạn chế nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận hạ tầng viễn thông và bảo đảm cạnh tranh trên thị trường. “Cơ chế quản lý càng nhiều ràng buộc thì nguy cơ lạm dụng, gây cản trở quyền tự do kinh doanh lại càng lớn. Ngay cả với các biện pháp quản lý cần thiết, các bất cập, thủ tục hành chính vẫn là gây khó khăn cho doanh nghiệp”, bà Trang lo ngại. Vì vậy, theo bà, doanh nghiệp viễn thông cần chú ý tham gia hoạt động chính sách, cùng Nhà nước xây dựng các cơ chế quản lý phù hợp với mong muốn của mình để có thể cạnh tranh, đồng thời tận dụng EVFTA làm động lực để phát triển. “Tuy vậy, giải pháp bền vững vẫn là nâng cao năng lực cạnh tranh”, bà Trang nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Nguyễn Thế Bình cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông tìm hiểu cơ hội kinh doanh ở thị trường EU nhưng quan trọng nhất là doanh nghiệp phải từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh - thật tốt ở thị trường trong nước, rồi mới tính tới thị trường nước ngoài.

An Thiện