Thi hành Luật Trợ giúp pháp lý

Đối tượng thụ hưởng chưa biết

- Thứ Bảy, 27/04/2019, 08:23 - Chia sẻ
Số người thuộc diện trợ giúp pháp lý trên địa bàn thành phố Hà Nội ước hơn 3 triệu người. Tuy nhiên sau hơn 1 năm triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý 2017 (Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.12018), số người được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý nhà nước của Hà Nội vẫn còn khiêm tốn.

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Nguyễn Thị Minh: “Ngày 20.6.2017, Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội Khóa XIV thông qua với 100% ĐBQH bỏ phiếu tán thành và là một trong số ít luật hiếm hoi được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao như vậy. Luật đã chạm đến trái tim của nhiều người bởi mục tiêu là lấy người trợ giúp pháp lý làm trung tâm nhằm giúp đối tượng cần trợ giúp tiếp cận được dịch vụ này một cách tốt nhất.

Đối tượng nhiều, phát hiện ít

Điểm mới quan trọng của Luật Trợ giúp pháp lý 2017 là mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý. Theo đó, bên cạnh những đối tượng kế thừa từ Luật 2006 như người có công với cách mạng, người thuộc hộ cận nghèo, Luật mở rộng thêm đối tượng là trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở những vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra còn có đối tượng mới được đưa vào diện trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội từ 16 đến dưới 18 tuổi và người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội - TP Hà Nội, trong số hơn 3 triệu người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên địa bàn thành phố thì có hơn 1,8 triệu trẻ em, hơn 764.000 người có công, hơn 94.000 người nghèo, hơn 156.000 người cận nghèo. Ngoài ra còn hơn 69.000 khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và khoảng hơn 100.000 người cao tuổi… Như vậy số đối tượng nằm trong diện hưởng chính sách trợ giúp pháp lý khá lớn. Hà Nội cũng là địa phương có số lượng án thụ lý lớn.

Tuy nhiên so với diện hưởng thì số trường hợp thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý còn hạn chế (mặc dù con số này trong năm 2018 đã tăng khá nhiều so với năm 2017). Báo cáo của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hà Nội cho biết, năm 2018 trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên của Trung tâm đã tham gia tố tụng để bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 567 người trong 567 vụ việc (tăng 74 vụ việc so với năm 2017).

Đáng chú ý, lĩnh vực có trợ giúp pháp lý nhà nước tham gia chủ yếu mới chỉ tập trung ở lĩnh vực tố tụng hình sự; lĩnh vực tố tụng dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động và hành chính chưa nhiều. Năm 2018, các vụ việc được trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực dân sự là 55 vụ và trong lĩnh vực hành chính là 8 vụ. Việc phát hiện đối tượng trong diện được trợ giúp pháp lý trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính chưa thực sự được chú ý đúng mức khi so sánh với các dịch vụ pháp lý khác.

Tuyên truyền phải đi trước

Đặt sang một bên câu chuyện về nguồn nhân lực thì có một thực tế là còn nhiều người dân chưa hiểu rõ về chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước, chưa biết về quyền lợi được thụ hưởng chính sách của mình. Số khác thì tuy biết nhưng không tin tưởng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý có thể bảo vệ tốt cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo ông Lê Chí Cường, Chánh án Tòa Lao động - TAND thành phố Hà Nội, quá trình tiếp xúc với đương sự, nhiều trường hợp cán bộ công chức TAND phát hiện, nhận diện đối tượng được trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ yêu cầu trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên nhiều đương sự vẫn từ chối và lựa chọn hình thức trợ giúp pháp lý khác như thuê, mời luật sư, nhờ bào chữa viên nhân dân, nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích cho mình.

Đánh giá nguyên nhân người dân chưa biết, thiếu tin tưởng vào trợ giúp pháp lý, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho rằng, vấn đề cốt lõi là công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trợ giúp pháp lý của thành phố vẫn chưa đến sâu rộng với đối tượng được thừa hưởng, đặc biệt ở cấp cơ sở.

Điều này đặt ra trách nhiệm cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải thường xuyên hơn, đến với người dân sâu rộng hơn. Qua tuyên truyền để người dân, đặc biệt là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hiểu đúng, hiểu đầy đủ và được hưởng các lợi ích từ quyền lợi này.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai công tác trợ giúp pháp lý năm 2019 của TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Minh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) cũng đã lưu ý Hà Nội phải tìm giải pháp khắc phục tình trạng diện người được trợ giúp pháp lý lớn nhưng số lượng chuyển gửi đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước còn ít. “Qua phản ánh, do người dân chưa tin tưởng vào trợ giúp pháp lý, vào người thực hiện trợ giúp pháp lý. Nhiều người dân vẫn lầm tưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý là dịch vụ có mất phí. Hoặc cho rằng trợ giúp pháp lý miễn phí nên chất lượng dịch vụ không bằng các dịch vụ pháp lý có thu phí… Vậy thì phải tìm cách tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu được đây là dịch vụ của Nhà nước”.

Theo Cục trưởng Nguyễn Thị Minh, ở một số quốc gia trên thế giới như Philippines, Argentina… luật sư công rất được coi trọng, tôn trọng, thậm chí còn được đánh giá cao hơn luật sư tư. Bởi luật sư công do Nhà nước bổ nhiệm, thực hiện các dịch vụ pháp lý nhân danh Nhà nước. Chất lượng, hình ảnh của Nhà nước được thể hiện qua dịch vụ luật sư công cung cấp cho công dân.

Tại Việt Nam, dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí là miễn phí cho đối tượng được Nhà nước hỗ trợ, cho người được hưởng chứ không phải miễn phí cho dịch vụ. Nhà nước phải thành lập tổ chức bộ máy trợ giúp pháp lý từ Trung ương đến địa phương để thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý và Nhà nước phải trả chi phí cho hệ thống này hoạt động.

Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp pháp lý. Luật yêu cầu rất cao đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.

Chẳng hạn, so với Luật 2006, Luật 2017 bổ sung thêm tiêu chuẩn đối với trợ giúp viên pháp lý là đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý. Đây cũng chính là những yêu cầu đối với luật sư”, bà Minh cho biết.

“Trợ giúp pháp lý là chính sách nhân đạo của Nhà nước. Cần triển khai thực hiện để các đối tượng khi có nhu cầu được tiếp cận và đáp ứng dịch vụ trợ giúp pháp lý”, bà Minh nói.

Tăng cường công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý cũng là một trong những nội dung được Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn lưu ý Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố chú trọng triển khai trong năm 2019. “Truyền thông phải đi trước để người dân biết đến dịch vụ. Không những biết mà còn tiến tới coi đây là địa chỉ đáng tin cậy để khi có nhu cầu người dân tìm đến với trợ giúp pháp lý”.

Thùy Dương