Thông tư số 23/2018/TT - BLĐTBXH

Đơn giản hóa các thủ tục hành chính

- Thứ Năm, 31/01/2019, 08:38 - Chia sẻ
Thông tư số 23/2018/TT - BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ra đời, đã tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN chủ động, sáng tạo khi xây dựng hệ thống biểu mẫu, sổ sách quản lý dạy và học; giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đặc biệt, đây sẽ là cuốn nhật ký kinh nghiệm quý giữa nhà trường - doanh nghiệp - cũng như nhu cầu sử dụng nhân lực của các trường và toàn hệ thống.

Ngay sau ngày 1.1.2017, khi Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về GDNN (trừ các trường trung cấp sư phạm và trường cao đẳng sư phạm), Bộ đã chỉ đạo Tổng cục GDNN xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tính đến cuối năm 2018, về cơ bản các văn bản đã được ban hành.

Thông tư số 23/2018/TT - BLĐTBXH ngày 6.12.2018 (Thông tư 23) ban hành quy định về hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ra đời, sẽ bãi bỏ Quyết định số 62/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 4.11.2008 quy định về việc ban hành hệ thống biểu mẫu, sổ sách quản lý dạy và học trong đào tạo nghề của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trước đây theo quy định của Luật Dạy nghề. Với quy định này, các trường trung cấp, trường cao đẳng thuộc hệ thống GDNN được tự chủ, sáng tạo khi xây dựng hệ thống biểu mẫu, sổ sách quản lý dạy và học phù hợp với cách quản lý của từng trường, nhưng vẫn bảo đảm thống nhất về các loại hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trên toàn quốc.

Thông tư số 23 có hiệu lực từ ngày 21.1.2019, được áp dụng đối với các trường trung cấp, trường cao đẳng, các cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan; không áp dụng đối với các ngành sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Thông tư 23 có Điều quy định chung về hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, trong đó: Hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng nhằm mục tiêu thực hiện tốt việc tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, góp phần bảo đảm, nâng cao chất lượng đào tạo. Hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng phải bảo đảm tính thống nhất, khoa học, thực tiễn; thuận tiện trong quản lý và sử dụng.

Cũng theo quy định tại Thông tư này, hệ thống hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng được phân làm hai loại. Một loại dành cho nhà trường và một loại dành cho giáo viên, giảng viên. Trong đó, hồ sơ sổ sách dành cho nhà trường gồm: Chương trình đào tạo, Kế hoạch đào tạo, Tiến độ đào tạo, Thời khóa biểu, Sổ lên lớp, Sổ quản lý học sinh, sinh viên, Sổ theo dõi đào tạo tại doanh nghiệp và Sổ cấp bằng tốt nghiệp; Hồ sơ, sổ sách dành cho giáo viên, giảng viên gồm: Kế hoạch giảng dạy, Giáo án và Sổ tay giáo viên.

Về sử dụng, quản lý hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, Thông tư cũng đã quy định rõ: Hiệu trưởng các trường có trách nhiệm quy định cụ thể biểu mẫu cho từng loại hồ sơ, sổ sách, bảo đảm tính khoa học, dễ sử dụng,thuận tiện cho việc ứng dụng công nghệ thông tin và thống nhất quản lý hồ sơ, sổ sách an toàn, đúng pháp luật.

Thông tư cũng quy định việc khuyến khích các trường, giáo viên, giảng viên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đổi mới, tự chủ xây dựng, quản lý, sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách điện tử; tin học hóa, tích hợp các hồ sơ, sổ sách trong các phần mềm quản lý đào tạo phù hợp và linh hoạt.

 Đặc biệt, việc quy định về Sổ theo dõi đào tạo tại doanh nghiệp là một trong những điểm nhấn quan trọng của Thông tư. Nhất là trong bối cảnh, GDNN coi việc tổ chức đào tạo gắn với doanh nghiệp là một tiêu chí quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và xây dựng uy tín, thương hiệu của trường theo chuẩn đầu ra đã ban hành. Đây sẽ là nhật ký kinh nghiệm đắt giá cho hiệu quả gắn kết giữa trường nghề, doanh nghiệp cũng như nhu cầu sử dụng nhân lực của các trường và toàn hệ thống.

Với những quy định thông thoáng, cởi mở, phù hợp với trách nhiệm, tự chủ của các trường, tinh giản về hồ sơ, sổ sách đối với nhà trường và giáo viên; cùng với việc không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp trong đó có việc quản lý, sử dụng hồ sơ, sổ sách phù hợp, hy vọng GDNN sẽ gặt hái được những thành công mới, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực thời cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp