Đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phục hồi đà tăng trưởng

- Thứ Bảy, 20/06/2020, 10:09 - Chia sẻ
Trong phiên thảo luận tại hội trường về báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã tham gia nhiều nội dung liên quan đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thông tin định hướng về cung - cầu của thị trường lao động... Đây là các giải pháp quan trọng nhằm hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm 2020. Đặc biệt, nhanh chóng đưa đất nước phục hồi tăng trưởng sau những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy sau đại dịch

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Thị Lan, doanh nghiệp được coi là xương sống của nền kinh tế, những tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp làm cho doanh thu, lợi nhuận, việc làm, thu nhập đời sống của người lao động giảm sút. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nghị quyết chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động... nhưng quá trình tổ chức thực hiện, các chính sách hỗ trợ còn chậm đi vào cuộc sống. Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp, giải quyết kịp thời các bất cập, vướng mắc để giúp doanh nghiệp, người lao động tiếp cận nhanh, được hưởng chính sách hỗ trợ, đồng thời có giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt khó, ổn định và phát triển.

Liên quan đến công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số bất cập. Đó là: Những quy định pháp luật thiếu thống nhất, chồng chéo, không phù hợp đã được phát hiện, sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên tiến độ còn chậm; một số dự án luật vẫn quy định thêm giấy phép (tức là tăng thủ tục hành chính), tăng thẩm quyền cho cơ quan quản lý cấp trên; chưa thực sự thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để giữa Trung ương và địa phương... Từ thực tiễn đó, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ khó khăn bất cập cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thể chế cơ chế chính sách pháp luật, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với chịu trách nhiệm cho địa phương; cắt giảm thủ tục hành chính ngay từ khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách thực hiện hiệp định, cam kết quốc tế trong hội nhập kinh tế quốc tế...

Chính phủ cần chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt khó, ổn định và phát triển  

Sớm xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động

Một vấn đề khác cũng được Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Thị Lan quan tâm là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm cho tỷ lệ người lao động trong độ tuổi tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, lao động thất nghiệp tăng cao so với nhiều năm trước, thu nhập, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng. Chính vì thế, người lao động mong muốn các chính sách của nhà nước sớm được thực hiện bảo đảm mục tiêu nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn góp phần ổn định xã hội. Tình hình đại dịch Covid-19 thời gian qua cũng cho thấy các nước trên thế giới đã chú trọng dự báo định hướng, thông tin thị trường lao động.

Sau khi dịch Covid-19 được kiềm chế, thông tin về thị trường lao động đựơc nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm. Không chỉ nhà quản lý mà cả cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, nhà đầu tư, người lao động. Đặc biệt là các thông tin định hướng về cung - cầu của thị trường lao động; yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực... Tuy vậy, nhiều cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động của nước ta hiện nay đang rất hạn chế, không đủ khả năng cung cấp thông tin về thị trường lao động. Trước thực trạng này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Thị Lan đề nghị: Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan dự báo, phân tích, định hướng về thị trường lao động; đánh giá thực trạng tình hình lao động việc làm, chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cung cấp thông tin về thị trường lao động. Mặt khác, cần có chính sách phù hợp hỗ trợ cơ sở đào tạo, doanh nghiệp để đào tạo nhân lực một số ngành nghề ưu tiên, xây dựng đội ngũ lao động kỹ thuật, chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu các ngành kinh tế.

P. NAM