Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh:

“Đồng điệu sẽ không lạc lõng”

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:20 - Chia sẻ
Không cứ diễn viên trẻ mà ngay cả tôi, tuy lớn tuổi thế này, trải nghiệm nhiều như vậy, nhưng mỗi lần được làm việc, giao lưu, hợp tác với các chuyên gia nước ngoài, là một lần trưởng thành và làm mới mình.

Du học tại chỗ

Trong sự nghiệp nghệ thuật của tôi, tất cả những bước ngoặt ít nhiều đều nhờ các dự án hợp tác quốc tế, bởi mình có cơ hội được trải nghiệm những phong cách khác, quan điểm khác, hình thức khác, đúng nghĩa là du học tại chỗ. Chúng ta bị giới hạn vì nhiều điều kiện, trong đó không phải ai cũng có tiền, biết ngoại ngữ, đủ đam mê thôi thúc ra thế giới du học. Tuy nhiên, 3 điều này đều được giải quyết thông qua các chương trình giao lưu, hợp tác quốc tế. Thầy đến tận nơi dàn dựng vở diễn, không chỉ 1 - 2 người mà cả tập thể được hưởng lợi. Ai cũng có thể được học và học được nếu có tinh thần học hỏi. Ngoài ra, đây cũng chính là con đường để giới thiệu văn hóa, xã hội Việt Nam. Vì thế, chúng tôi quán triệt hàng ngày cho các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ biết đây là cơ hội hiếm, quý, phải tận dụng, không được bỏ qua (NSND Lê Khanh hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - NV).


NSND Lê Khanh trong vở “Cậu Vanya” do Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp với Nhà hát Không tường (Nhật Bản) dàn dựng và công diễn cuối năm 2018

Ngay từ ngày đầu thành lập, Nhà hát Tuổi trẻ đã rất mạnh trong hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế. Các giám đốc đầu tiên như Hà Nhân, Phạm Thị Thành liên tục đưa các đoàn ca múa nhạc nhẹ quốc tế đến Nhà hát, làm dậy sóng sân khấu âm nhạc Thủ đô; ngoài ra còn dàn dựng kịch cùng các đạo diễn Nga, Bulgaria, sau này là Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Na Uy, Bỉ, Đức, Nhật Bản… Truyền thống này tiếp tục được duy trì và phát huy đến tận bây giờ. Chính nhờ hợp tác quốc tế nên phong cách của Nhà hát Tuổi trẻ mới sinh động, hiện đại, được phổ cập rộng đến vậy. Nhà hát Tuổi trẻ từng phải đóng cửa trước 15 phút vì không còn chỗ, khi diễn những vở như Tất cả đều là con tôi (All my sons) của kịch tác gia người Mỹ Arthur Miller do đạo diễn Neil S. Fleckman dựng năm 2011, Vòng phấn Kafka (Đức, 2014), Con chim xanh (Phái đoàn Wallonie-Bruxelles, Bỉ, 2017), Cậu Vanya (Nhật Bản, 2018)…

Đã sang năm thứ 5, chúng tôi có gói tài trợ văn hóa nghệ thuật của Nhật Bản thông qua Japan Foundation, Quỹ Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Quỹ Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Tokyo. Nhà hát Tuổi trẻ được hỗ trợ trang thiết bị về âm thanh, ánh sáng; cán bộ, nhân viên Nhà hát được đào tạo kỹ thuật sử dụng những thiết bị ấy, cũng như cách tư duy để cùng sáng tạo nên một vở diễn. Đại diện mọi thành phần, từ quản lý, sản xuất, marketing đến họa sĩ, nghệ sĩ… đi tu nghiệp tại Nhật Bản vài tháng. Chúng tôi được trải nghiệm tại nhiều nhà hát, từ nhà hát siêu nhỏ, sân khấu chỉ khoảng 100m2, trống rỗng hoàn toàn, đến những sân khấu quy mô lớn, hiện đại nhất thế giới. Các bạn muốn cho chúng tôi thấy, không chỉ vì thiếu tiền mà không phát triển được, mà cho dù điều kiện thế nào cũng phải quyết tâm để làm nên một kiệt tác. Vấn đề là tư duy và phải trau dồi khả năng chuyên môn một cách đa dạng, để diễn viên của mình đa năng đa tài, giống như diễn viên thế giới. Khi mình có những khả năng đồng điệu thì sẽ không bị lạc lõng, không diễn một mình một kiểu, hay mãi một cách kể chuyện.

Ai cũng có giới hạn, có lúc như hết pin, có lúc cảm thấy bế tắc vì sân khấu cũ, mòn, không hòa nhập được với thế giới… Những lúc như thế đòi hỏi phải đi ra thế giới, để “sạc pin” cho bản thân và tìm kiếm những ý tưởng, cảm hứng mới. Nhật Bản có chính sách hỗ trợ những người cứ đi rồi về như thế, mang theo những cái để làm thành sản phẩm của mình hoàn toàn mới.

Tài năng và sự chuyên nghiệp

 “Mỗi lần có đạo diễn, chuyên gia quốc tế đến giao lưu, hợp tác cùng xây dựng một tác phẩm nghệ thuật, dù là tiểu phẩm hay chỉ là tiết mục múa, hát, đều để lại cho chúng ta những bài học, không chỉ về tư duy nghệ thuật mà cả cách làm và thái độ nghiêm túc với nghề. Kỷ luật chặt chẽ, nỗ lực không ngừng và sáng tạo bất tận”.

NSND Lê Khanh

Sân khấu ở Nhật Bản rất đông khách. Mua được tác phẩm “made in Japan” rất khó, nếu mua được thì cũng cực đắt, vì họ chỉ cần sản xuất phục vụ khán giả trong nước đã đầy ắp rồi. Khó xem nhất là kịch truyền thống, kịch Noh, nhưng vé rất đắt và rất hiếm, phải đặt chỗ trước tới cả năm. Họ đã nâng văn hóa nghệ thuật truyền thống lên thành hàng cao cấp. Họ cũng có những sân khấu quy mô nhất thế giới với không gian, số lượng ghế nhiều nhất, trang thiết bị tối tân, kỹ xảo hiện đại nhất… Chúng tôi cứ tự hỏi, nếu Việt Nam có một nhà hát sở hữu ngần ấy cái nhất, các nghệ sĩ sẽ làm gì trong đó? Đó vẫn là tài năng, tư duy nghệ thuật và quy trình cực kỳ chuyên nghiệp, từ sản xuất đến tiếp thị. Trước khi dựng vở, họ có một bộ phận chuyên nghiên cứu thị trường. Ví dụ, với địa điểm là Nhà hát Tuổi trẻ tại 11 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, tình hình kinh tế thế nào, tâm lý dân cư ra sao, ưa chuộng gì, nếu vở này thì diễn vào mùa nào, đạo diễn nào dàn dựng, diễn viên nào sẽ thu hút khán giả… Từ đó, họ đi tìm những đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất, người giám sát, và có kế hoạch truyền thông phù hợp. Cho nên, ra vở nào thành công vở đó, từ chính trị, nghệ thuật đến giải trí, vì đánh trúng thị hiếu mọi đối tượng khán giả.


Cảnh trong vở “Vòng phấn Kafka” do Nhà hát Tuổi Trẻ và Viện Goethe Việt Nam dàn dựng năm 2014 
Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ

Ở Việt Nam lâu nay không như thế. Khi hòa chung thế giới mới thấy mình khác biệt, và đã đến lúc chúng ta cần thay đổi. Tất nhiên, muốn được như thế phải có chiến lược cấp quốc gia và đầu tư cho sân khấu, như Nhật Bản, Hàn Quốc từng làm. Trong đó trước hết phải nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nghiên cứu lộ trình, thay đổi giáo trình. Từ ngày chúng ta được thụ hưởng giáo trình đào tạo nghệ thuật của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa với thế hệ Stanilapxki - trường phái sân khấu hiện thực tâm lý - đến nay chưa chính thức có thêm giáo trình đào tạo nào khác. Trong khi đó, thế giới rất phong phú về phương pháp và thể loại sân khấu, ngoài phương pháp hiện thực dễ xem nhất còn có sân khấu ấn tượng, sân khấu biểu hiện (hình thể, âm nhạc, hội họa…), sân khấu phi lý, sân khấu gián cách, nhạc kịch… Chỉ vẫn tôn sùng sân khấu hiện thực đã phần nào là nguyên nhân khiến sân khấu mất khán giả nhiều năm qua do quá quen, quá cũ và quá nhàm.

Đừng nói đào tạo khán giả, họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Một tác phẩm hay, trước tiên trình độ biểu diễn phải điêu luyện. Diễn viên phải đầu tư cho chuyên môn thật tốt, tối thiểu phải biết nhạc lý, biết hát, biết nhảy múa để thể hiện ngôn ngữ hình thể, đáp ứng yêu cầu của đạo diễn khi cần thiết. Bản thân diễn viên đa năng, đa tài, diễn có năng lượng, có hồn, sẽ làm khán giả tạm quên đi tất cả những thiếu thốn của cơ sở vật chất, rạp và trang thiết bị sân khấu. Tuy nhiên, các thành phần khác từ trang trí sân khấu, âm thanh, ánh sáng… cũng phải học tư duy sáng tạo kỹ thuật thông qua nghiên cứu kịch bản như diễn viên, hoàn toàn khác người bật công tắc đèn và âm thanh như hiện nay, thì mới làm nên những tác phẩm chất lượng nghệ thuật cao.

Sân khấu không chỉ để giải trí mà còn là nơi phản ánh cuộc sống và gửi gắm thông điệp. Các vở diễn đều mang giá trị nào đó, như “Romeo và Juliet” là sự trả giá cho lòng thù hận, hay “Macbeth” là giấc mơ ảo tưởng về quyền lực… Khán giả đến nhà hát để được thưởng thức những điều kỳ lạ, thú vị, khi về ngộ ra những điều tốt đẹp. Nghề này yêu, mê và say ở chỗ, bất kể làm cái gì cũng phải đem lại giá trị chân - thiện - mỹ, làm cho mọi người sống với nhau thật sự tốt đẹp, chân thành, thiện lành. Khán giả Việt Nam lâu nay quen xem những vở đơn giản, nhẹ nhàng, vui vui, mà không mang lại giá trị gì lớn lao, làm cho mình bừng tỉnh và sung sướng. Ngày xưa nhiều khán giả đi xem kịch về bị lạc đường vì còn mải mê với những dư âm của nó. Bản thân tôi khi xem vở kịch hay vở múa nào hay cũng thường xuyên đi lạc. Đấy là tín hiệu mình bị chinh phục. Và đó cũng là động lực để nghệ sĩ chúng tôi lại nỗ lực tiếp tục cho ra đời những tác phẩm như thế.

Anh Minh ghi