Huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định

Đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

- Thứ Sáu, 29/05/2020, 07:01 - Chia sẻ
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Giao Thủy, Nam Định gặp không ít khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Dưới sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng tại huyện Giao Thủy, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển sang giai đoạn vừa chống dịch vừa thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện Giao Thủy đã kịp thời định hướng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, với nhiều biện pháp nhằm giảm bớt những tác động xấu trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn. Theo UBND huyện Giao Thủy, bằng những biện pháp cụ thể, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia đăng ký thương hiệu OCOP (mỗi xã một sản phẩm) với mục tiêu trong năm 2020 toàn huyện có ít nhất 19 sản phẩm OCOP. Trong đó, có từ 5% sản phẩm trở lên đạt tiêu chuẩn 5 sao, 30% sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, và 65% sản phẩm đạt tiêu chuẩn 1-3 sao. Hiện một số doanh nghiệp đã nỗ lực cải tạo cơ sở hạ tầng, quy trình, kỹ thuật sản xuất giúp các sản phẩm đạt chuẩn chương trình OCOP, các sản phẩm OCOP của địa phương được huyện đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ tại Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm nông sản, thực phẩm sạch huyện.


Xưởng may của Công ty CP May Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy
Nguồn: ITN 

Theo Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Hùng Vương, nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, ngành chức năng, công ty đã nâng tầm chất lượng để 2 sản phẩm tép moi sấy khô, chả cá đạt chuẩn 4 sao chương trình OCOP. Doanh nghiệp đã được các cấp, các ngành chức năng hỗ trợ đăng ký thương hiệu, tem mác, thông tin quảng cáo, kinh phí đăng ký thương hiệu. Hiện tại sản phẩm của công ty tiếp tục được mở rộng, phát triển, vươn ra thị trường lớn mang lại giá trị kinh tế cao, trung bình mỗi ngày công ty sản xuất 1 tấn thành phẩm và đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt, sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, sản phẩm được đăng ký thương hiệu độc quyền của doanh nghiệp.

Được sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi, ngành may công nghiệp cũng đang tạo đà phát triển. Đơn cử như Công ty CP May Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy, ngoài việc duy trì ổn định việc làm cho hơn 2.000 công nhân tại 2 nhà máy, với mức lương 7,7 triệu đồng/người/tháng. Vừa qua, Công ty cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn tất đầu tư, đưa vào hoạt động thêm một nhà máy với quy mô khoảng 1.000 lao động. Nỗ lực của doanh nghiệp đã góp phần giúp ngành may công nghiệp giữ vững vai trò chủ đạo về giá trị sản xuất và lao động trong cơ cấu ngành công nghiệp với khoảng 5.500 lao động.

Khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất

Theo kế hoạch, UBND huyện Giao Thủy sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo hỗ trợ, giải quyết về cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi hết sức có thể cho các doanh nghiệp sau đại dịch. Đại diện Công ty TNHH Quốc tế KAM FUNG Việt Nam cho biết, để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng kỹ thuật, sớm hoàn tất, đưa cụm công nghiệp vào khai thác, cung ứng mặt bằng cho các nhà đầu tư thứ cấp nhằm phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, trên tổng diện tích thi công 22ha, công ty đã hoàn tất hạng mục san lấp mặt bằng diện tích đất đã cho thuê, giai đoạn 1 là 18,618ha, đang khẩn trương hoàn tất các hạng mục làm đường giao thông, hệ thống điện phục vụ sản xuất, hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Đại diện Công ty TNHH Quốc tế KAM FUNG Việt Nam khẳng định, công ty sẽ nỗ lực thực hiện nốt những công đoạn cuối cùng, phấn đấu đưa dự án Cụm công nghiệp Thịnh Lâm vào hoạt động chính thức vào tháng 11.2020. Dự kiến, sau khi xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Thịnh Lâm và hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan, Công ty sản xuất đồ chơi KAM FUNG 2 sẽ đầu tư xây dựng và hoạt động vào cuối năm 2020. Đặc biệt, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ như vay vốn, giảm tiền thuê đất, giãn tiền thuế... để nâng cao năng suất, phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Để giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, huyện Giao Thủy cũng chú trọng cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Huyện cũng tăng cường giám sát, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chủ trương vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Trong đó, các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh các kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thực hiện tốt và giảm thiểu các tranh chấp xảy ra đối với các hợp đồng kinh tế đã ký kết; cải thiện các liên kết, sắp xếp lại và khắc phục các đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, hướng nhiều hơn vào thị trường nội địa.

Khẳng định phát triển thị trường nội địa sau dịch là một cơ hội, đồng thời là một thử thách cam go quyết liệt đối với các doanh nghiệp, UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành chức năng tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với Đề án Phát triển thị trường trong nước, để đón đầu sức mua sắm của người tiêu dùng dự báo sẽ tăng trưởng trở lại vào quý IV. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng và cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; rà soát, bổ sung các văn bản, ban hành cơ chế chính sách thiết thực, phù hợp để khuyến khích, động viên doanh nghiệp mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp về chất lượng và giá cả sản phẩm, ưu tiên mua hàng tiêu dùng do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Phan Phương