Đưa dịch vụ ngân hàng số đến người nghèo

- Thứ Sáu, 13/09/2019, 08:05 - Chia sẻ
Dự án “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - Tài chính toàn diện và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam” giai đoạn 1 do Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) thực hiện đã kết thúc. Sau hơn hai năm, đã có gần 5,1 triệu khách hàng là người thu nhập thấp và phụ nữ nhận được thông tin về số dư tiền vay, tiền tiết kiệm, thông báo nợ đến hạn và thay đổi số dư tài khoản... Đây được coi là bước tập dượt cho các khách hàng của NHCSXH quen dần với việc sử dụng điện thoại để tiếp cận những thông tin về các dịch vụ tài chính.

“Chi phí để gần 860 nghìn khách hàng tại 10 tỉnh, thành phố đi đối chiếu dư nợ với ngân hàng là khoảng 42,8 tỷ đồng. Nếu thực hiện qua tin nhắn sẽ giúp khách hàng tiết kiệm được khoản tiền tương đương. Đối với ngân hàng, nếu sử dụng dịch vụ tin nhắn SMS với 250 đồng/tin nhắn, 10 chi nhánh chỉ mất 214 triệu đồng, tiết kiệm gấp hơn 12 lần so với chi phí hoạt động trước đây”.

Phó tổng Giám đốc NHCSXH
Bùi Quang Vinh

Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Chia sẻ về những lợi ích của Dự án “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - Tài chính toàn diện và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam”, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn thôn Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội Vũ Thị Thanh Huyền, người trực tiếp thụ hưởng và hướng dẫn các tổ viên thực hiện việc tiếp nhận tin nhắn từ NHCSXH cho hay, dịch vụ giúp các hộ vay nắm bắt thông tin tốt hơn, đỡ mất thời gian đối chiếu dư nợ với ngân hàng khi đến hạn. Theo bà Huyền, dịch vụ này cũng tạo sự liên kết chặt chẽ trong công tác quản lý tiền gửi, nguồn vốn vay đạt hiệu quả tốt hơn, góp phần nâng cao tính minh bạch, giảm tỷ lệ nợ quá hạn.

Trên thực tế, NHCSXH - ngân hàng đặc biệt và lớn nhất về cung cấp dịch vụ tài chính vi mô của Việt Nam đang phục vụ hơn 6,6 triệu khách hàng, với tổng dư nợ đạt gần 199 nghìn tỷ đồng. Trong đó, gần 80% khách hàng hiện đang sinh sống tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và khu vực miền núi, khách hàng nữ chiếm 60% và đến 90% khách hàng nữ tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, NHCSXH có mạng lưới giao dịch phủ sóng đến tận làng xã, mang dịch vụ tới tận nhà người dân với gần 11.000 Điểm giao dịch xã tại 63 chi nhánh trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Đây là những thế mạnh giúp NHCSXH gắn bó mật thiết với người nghèo và người yếu thế; đồng thời cũng là cơ hội tốt nhất để hiện thực hóa giấc mơ số hóa ngân hàng cho người nghèo.

Chính từ những thế mạnh trên, năm 2016, NHCSXH đã phối hợp Quỹ Châu Á (TAF) và MasterCard triển khai thực hiện Dự án “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - Tài chính toàn diện và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam”. Theo đó, từ cuối năm 2016, NHCSXH đã triển khai dịch vụ tin nhắn qua điện thoại di động tới khách hàng tại 63 chi nhánh tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đến cuối năm 2018, NHCSXH đã cung cấp thông tin về số dư tiền vay, tiền tiết kiệm, thông báo nợ đến hạn và thay đổi số dư tài khoản tới gần 5,1 triệu khách hàng là người thu nhập thấp và phụ nữ. “Đây là kết quả vô cùng khả quan; đáp ứng với xu hướng và yêu cầu của hội nhập” - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Hà Hải An đánh giá.


Ấn nút khởi động Dự án “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - Tài chính toàn diện và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam” giai đoạn II
Ảnh: Trần Giáp

Tiếp tục mở rộng tại 10 tỉnh, thành phố

Tiếp nối thành công giai đoạn I (2017 - 2018) trong việc thực hiện gửi tin nhắn thông tin cho khách hàng về số dư tiền vay, tiền tiết kiệm, thông báo nợ đến hạn và thay đổi số dư tài khoản của khách hàng tại 10 tỉnh, thành phố. NHCSXH vừa chính thức triển khai Dự án giai đoạn II (từ 2019 - 2022) với sự phối hợp của Mastercard và Quỹ Châu Á (TAF) tại 10 tỉnh tiếp theo gồm Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Định, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Bùi Quang Vinh cho biết, việc triển khai Dự án sẽ góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực cho NHCSXH để cung cấp các dịch vụ tài chính số đa dạng và thuận tiện cho các khách hàng của NHCSXH, trong đó có người nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, người khuyết tật, người DTTS, lao động đi làm việc ở nước ngoài… trên toàn quốc, đặc biệt ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi. Dự án cũng nhằm đóng góp cho việc thực hiện Đề án phát triển Công nghệ thông tin NHCSXH đến năm 2025 với mục tiêu phát triển hệ thống Công nghệ thông tin theo hướng đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, an toàn, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, tăng cường khả năng tiếp cận giáo dịch vụ ngân hàng đối với khách hàng và hiện đại hóa công tác quản trị điều hành của NHCSXH.

Trong giai đoạn II của Dự án, NHCSXH sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ tin nhắn SMS cho khách hàng NHCSXH, bảo đảm 100% khách hàng NHCSXH có đăng ký điện thoại với ngân hàng nhận và hiểu các tin nhắn và có thể phản hồi cho NHCSXH. Giai đoạn II sẽ tập trung vào hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm để NHCSXH xây dựng nền tảng tài chính số của ngân hàng, trong đó có xây dựng giải pháp công nghệ cho dịch vụ mobile banking. Dự kiến đến thời điểm cuối dự án, NHCSXH có thể bắt đầu cung cấp dịch vụ mobile banking cho Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và thí điểm dịch vụ thanh toán cho khách hàng (thu hộ, chi hộ, chuyển tiền, thẻ…), qua đó giúp cho khách hàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính toàn diện, đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ và tăng hiệu quả chi phí cho cả khách hàng và NHCSXH.

Bình Nhi