Đưa Lục Nam trở thành huyện phát triển khá của Bắc Giang

- Thứ Hai, 10/08/2020, 06:22 - Chia sẻ
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Lục Nam đặt mục tiêu phấn đấu trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Bắc Giang và huyện nông thôn mới vào năm 2024; phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa…

Hoàn thành vượt mức 17/17 chỉ tiêu

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện Lục Nam đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXI.

Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Cương Sơn lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Thu ngân sách hàng năm vượt kế hoạch, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện trong 5 năm đạt 1.712,774 tỷ đồng (gấp hơn 3 lần so với nhiệm kỳ 2010-2015), tăng bình quân 29,7%/năm (vượt 9,7% chỉ tiêu Đại hội). Tổng chi ngân sách nhà nước trong 5 năm đạt trên 4.317 tỷ đồng (tăng 160,3% so với nhiệm kỳ trước), tăng bình quân 23,96%/năm.

Xác định phát triển kinh tế là trung tâm, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo thực hiện các mục tiêu theo lộ trình từng năm, bám sát các chỉ tiêu đại hội. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 16,75%, vượt 0,75% so với chỉ tiêu đại hội; trong đó, ngành nông nghiệp tăng 5,5%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng 22%; thương mại, dịch vụ tăng 22,3%.

Đáng chú ý, cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm dần còn chiếm chiếm 29,6%; tỷ trọng ngành công nghiệp -  tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 42,2%; thương mại, dịch vụ chiếm 28,2%.

Trong 5 năm qua, môi trường đầu tư kinh doanh của huyện liên tục được cải thiện, thu hút được nhiều dự án đầu tư vào địa bàn. Tổng số dự án đầu tư là 106 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 32.500 tỷ đồng (trong đó có dự án sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang với quy mô 140ha, tổng vốn đầu tư 740 tỷ đồng), tăng 81 dự án, 30.500 tỷ đồng so với nhiệm kỳ 2010 - 2015. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 20.062 tỷ đồng, đạt 100,31% kế hoạch, tăng 401,24% so với giai đoạn 2010 - 2015.

Công tác quản lý đất đai, khoáng sản trên địa bàn được tập trung chỉ đạo, giai đoạn 2017 - 2020, huyện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 60km đường tỉnh 293 và các tuyến nhánh; 57 dự án, với số diện tích thu hồi 256,5ha đất với tổng số kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 546 tỷ đồng.

Tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 56% số xã (vượt 4 xã so với chỉ tiêu đại hội và tăng 11 xã so với năm 2015); bình quân toàn huyện đạt 15,76 tiêu chí/xã; có 8 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 1 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên.

Cùng với đó, văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc; chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng lên; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nâng lên rõ rệt. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Bên cạnh những kết quả trên, việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của huyện Lục Nam vẫn nhiều tồn tại hạn chế như: Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Du lịch chưa trở thành ngành có giá trị cao trong cơ cấu kinh tế. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, môi trường có thời điểm, giải quyết một số vụ việc còn hạn chế… Nguyên nhân bởi nhận thức, tư duy kinh tế của một số cán bộ, đảng viên chậm đổi mới. Trình độ, năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Một số cấp ủy cơ sở chưa sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là chưa tập trung bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Người dân ở xã Lục Sơn phát triển kinh tế từ cây nhãn mang lại giá trị kinh tế cao

Phấn đấu là huyện nông thôn mới vào năm 2024

Theo lãnh đạo huyện Lục Nam, giai đoạn 2020 - 2025, Lục Nam có nhiều thuận lợi, đó là kinh tế - xã hội đang trên đà phát triển, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh bảo đảm… Song, bên cạnh đó còn nhiều khó khăn, thách thức do hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Với mục tiêu đưa Lục Nam trở thành huyện phát triển khá của tỉnh, huyện nông thôn mới vào năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lục Nam đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể làm động lực thực hiện. Trong đó: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 16 - 16,3%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 15%/ năm; tổng vốn đầu tư phát triển cả giai đoạn trên 25.000 tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế đến năm 2025 được xác định gồm: Nông nghiệp chiếm 14,9%; công nghiệp - xây dựng chiếm 50,5%; thương mại - dịch vụ chiếm 34,6%. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 giảm còn 2%, trong đó các xã đặc biệt khó khăn giảm còn dưới 8%...

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, huyện xác định tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào địa bàn; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc quy hoạch và xây dựng hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp Bắc Lũng - Yên Sơn, các cụm công nghiệp trên địa bàn... làm cơ sở tạo đột phá mới về phát triển công nghiệp.

Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai, thủ tục hành chính; tiếp tục quan tâm hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, phát triển mô hình “mỗi xã một sản phẩm”, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại chỗ ở nông thôn. Cùng với đó, tập trung phát triển mạng lưới thương mại, dịch vụ, nhất là du lịch để nhanh chóng trở thành ngành kinh tế có giá trị cao trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Huyện cũng xác định ưu tiên đầu tư các công trình giao thông tạo ra không gian mở cho phát triển kinh tế (tuyến Ngã ba Khám Lạng đến xã Nghĩa Phương; đường nối Quốc lộ 31 với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đoạn cầu Trại Mít - Suối Nứa - Bắc Lệ...) và các công trình hạ tầng đô thị; nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công và quản lý chất lượng các công trình xây dựng cơ bản; làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, GPMB phục vụ thu hút đầu tư…

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, phát huy những giá trị truyền thống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; xác định xây dựng văn hóa, con người Bắc Giang vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững của tỉnh, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Thanh Hậu