Phát triển kinh tế tập thể

Đưa nghị quyết vào cuộc sống

- Thứ Năm, 01/10/2020, 11:14 - Chia sẻ
Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và Kết luận 70-KL/TW ngày 9.3.2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện. Theo đó, chương trình nhằm tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã được để ra trong Nghị quyết.

Tiếp tục giữ vai trò nòng cốt

Chương trình của Chính phủ đã xác định rõ nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp, hiệu quả.

Kinh tế HTX đã phát huy đưa lại nhiều kết quả trong thời gian qua
Kinh tế HTX đã phát huy đưa lại nhiều kết quả trong thời gian qua

Cụ thể, nhiệm vụ của chương trình hành động là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về bản chất của kinh tế tập thế, hợp tác xã nhất là hợp tác xã kiểu mới; vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền về bản chất, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hợp tác xã trong điều kiện mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và người dân; tránh tình trạng nhận thức không thống nhất, không đầy đủ, bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình hợp tác xã kiểu cũ; xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương...

Chương trình khẳng định, Liên minh Hợp tác xã các cấp với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên cần đẩy mạnh và đổi mới phương thức tuyên truyền về chủ trương, chính sách pháp luật hợp tác xã, lợi ích của hợp tác xã mang lại cho các thành viên để nâng cao nhận thức của người dân và các cấp, các ngành về hợp tác xã kiểu mới...

Liên minh Hợp tác xã các cấp nghiên cứu đề xuất đổi mới mô hình Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để tăng khả năng huy động nguồn lực từ thị trường, liên kết và thống nhất về cơ chế hoạt động của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã từ trung ương đến địa phương; đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động để tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, dịch vụ công và một số nhiệm vụ khác do Chính phủ, bộ, ngành, địa phương giao, ủy thác (kiểm toán, đào tạo, tín dụng, xúc tiến thương mại, công nghệ...) theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn...

Sắn sàng đưa nghị quyết, chính sách vào cuộc sống

Theo thống kê của Liên minh hợp tác xã Việt Nam, cả nước hiện có 22.714 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có 14.816 hợp tác xã nông nghiệp. Những năm qua, quy mô của các hợp tác xã không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả đạt khoảng 55%. Thu nhập bình quân của lao động hợp tác xã hiện xấp xỉ 45 triệu đồng/năm.

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã giải quyết nhiều việc làm cho người  lao động
Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã giải quyết nhiều việc làm cho người lao động

Hiện nay, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đang thu hút được ngày một nhiều cán bộ trẻ, có năng lực quản trị, tinh thần khởi nghiệp. Đến nay, 38% trong tổng số 100.388 cán bộ quản lý hợp tác xã đã có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên.

Để tiếp tục đổi mới, phát triển đưa kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục đi lên theo tinh thần của Bộ Chính trị và Chương trình của Chính phủ, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, sẽ tập trung rà soát, chỉ đạo thực hiện Đề án Xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác liên kết, phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với các vùng sản xuất hàng hóa lớn và sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương. Đây được coi là khâu đột phá trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tiến tới nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã.

Bên cạnh đó, Liên minh hợp tác xã Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh việc triển khai Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thúc đẩy cho vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu, giải thể hợp tác xã yếu kém, đã ngừng hoạt động để tạo dư địa thành lập các hợp tác xã kiểu mới…

Bảo Ngân