Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Mỹ

Đưa quan hệ trở về đúng hướng

- Thứ Sáu, 08/11/2019, 08:25 - Chia sẻ
Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nhà lãnh đạo Recep Tayyip Erdogan sẽ thăm Washington vào tuần tới theo lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chuyến đi từng suýt bị hoãn do những bất đồng liên quan đến cuộc xung đột Syria, cũng như sự tức giận của Ankara trước việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật áp đặt trừng phạt nước này và công nhận vụ thảm sát người Armenia dưới thời đế chế Ottoman là cuộc diệt chủng.

Hôm 6.11, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm mà theo đánh giá của ông chủ Nhà Trắng là “tuyệt vời” để trao đổi quan điểm về các vấn đề song phương và những diễn biến trong khu vực. Sau khi thảo luận nghiêm túc từ tình hình biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, chiến dịch truy quét khủng bố đến chấm dứt sự thù địch với người Kurd…hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tái khẳng định sẽ gặp nhau tại Washington vào ngày 13.11.

Theo Washington Post, mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đã bị xáo trộn nhiều kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút quân đội Mỹ khỏi vùng Đông Bắc Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã tiến hành chiến dịch quân sự tấn công vào khu vực do người Kurd ở Syria nắm giữ. Kể từ đó, Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là một đồng minh của mình trong NATO, vì đã tấn công đồng minh khác của Mỹ. Giữa diễn biến nhanh chóng và phức tạp này, cả Washington và Ankara phải xem xét 5 thực tế không mấy dễ chịu để đưa quan hệ song phương đi về đúng hướng.


Từ đồng minh…

Thực tế đầu tiên chính là việc Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh NATO. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương được thành lập năm 1949 với tư cách liên minh quân sự giữa Bắc Mỹ và châu Âu, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp gia nhập năm 1952. Đối với phần lớn thành viên, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là đồng minh tốt trong NATO, mặc dù cũng có những thời điểm khó khăn như cuộc xâm chiếm đảo Síp năm 1974 của Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn đến xung đột với Hy Lạp và lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ.

Ngoài ra, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ từng gặp căng thẳng khi nước này từ chối không cho phép Mỹ đặt căn cứ trên lãnh thổ của mình vào thời điểm Mỹ lãnh đạo quân đồng minh tiến hành tấn công Iraq năm 2003. Những căng thẳng đó càng trở nên nghiêm trọng hơn dưới thời Tổng thống Erdogan những năm gần đây. Nhà lãnh đạo này vốn có lập trường phản đối phương Tây trên nhiều vấn đề, trong đó dẫn đến việc Ankara quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa do Nga sản xuất.

 Thực tế thứ hai là Mỹ liên kết với người Kurd ở Syria ngược lại mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc tranh chấp gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh NATO chủ yếu xoay quanh phản đối của Ankara đối với các nhóm người Kurd, vốn đã trở thành đối tác quan trọng của Mỹ và các đồng minh trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq.

Người Kurd là nhóm dân tộc Hồi giáo có mặt khắp Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria và Iran, mặc dù họ từ lâu đã đấu tranh để thành lập nhà nước độc lập. Hiện có khoảng 30 triệu người Kurd sống trong khu vực và một nửa trong số đó ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, họ đã tiến hành một chiến dịch kéo dài hàng thập kỷ để giành quyền tự chủ cao hơn. Các nhóm như đảng Công nhân người Kurd (PKK) thậm chí dùng đến biện pháp gây xung đột vũ trang và khủng bố trong chiến dịch đó.

Năm 2015, Mỹ chuyển sang bắt tay với người Kurd ở Syria để được hỗ trợ trong cuộc chiến chống IS. Mỹ kêu gọi Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) hợp tác với các nhóm Ảrập dưới biểu ngữ của Lực lượng Dân chủ Syria mới được thành lập hay còn gọi là SDF. Nhóm này, được Mỹ và các đồng minh trang bị vũ khí, đã nhanh chóng phát triển để kiểm soát những vùng đất đáng kể dọc biên giới Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Ankara từ lâu đã đe dọa sẽ tiến hành tấn công quân sự chống lại SDF do người Kurd lãnh đạo, cho rằng lực lượng trên đang liên kết chặt chẽ với PKK. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiến hành chiến dịch đó khi quân đội Mỹ còn ở trong những khu vực mà người Kurd kiểm soát ở Syria. 

Thực tế tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga không vừa mắt Mỹ. Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất việc mua hệ thống S-400 do Nga phát triển mùa hè vừa qua. Động thái này bị Lầu Năm Góc phản đối với lập luận rằng, một đồng minh không thể tham gia chương trình máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ mà lại mua hệ thống của Nga. Kết quả là, Thổ Nhĩ Kỳ bị đình chỉ tham gia hệ thống F-35.

F-35 là máy bay chiến đấu công nghệ cao và đắt tiền nhất của Mỹ và Washington luôn sẵn sàng cho các đồng minh mua, cũng như vận hành máy bay. Một trong những thế mạnh lớn nhất của F-35 là khả năng tàng hình. Trong khi đó, hệ thống S-400 lại sở hữu khả năng radar tiên tiến nên nhiều người Mỹ lo ngại, Nga sẽ có quyền truy cập gián tiếp vào chương trình F-35 thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, sử dụng nó nhằm tăng cường hiệu quả cho S-400. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã mua hệ thống của Nga sau khi Mỹ không đưa ra lời đề nghị thỏa đáng về hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, vốn thiếu một số tính năng so với S-400 và thường đắt hơn.

… đến trừng phạt

Thực tế thứ tư là Mỹ đang lưu giữ khoảng 50 quả bom hạt nhân tại căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ, cách khoảng 250 dặm tính từ biên giới Syria. Điều đó đã làm phức tạp thêm tình hình vốn đã khó khăn ở đây. Thực tế, vũ khí hạt nhân của Mỹ lần đầu tiên được triển khai tới Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm Chiến tranh Lạnh năm 1961. Ngoài ra, xứ sở cờ hoa cũng sở hữu vũ khí hạt nhân ở các căn cứ tại Bỉ, Đức, Italy và Hà Lan, nơi mà sự hiện diện của chúng là tương đối gây tranh cãi.

Quá trình thảo luận về việc di chuyển số bom hạt nhân trên ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra trong nhiều thập kỷ, nhưng diễn biến những năm gần đây như nỗ lực đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016, sự lan rộng của IS và mối quan hệ ngày càng gần gũi của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, đã khiến các cuộc tranh luận càng thêm khẩn cấp. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch quân sự ở Syria, một quan chức Mỹ còn nhận xét, Ankara đang biến những quả bom trên thành “con tin” hiệu quả.

Thực tế thứ năm là Mỹ đang trừng phạt đồng minh của chính mình. Sau khi các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đụng độ với người Kurd ở Syria, Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt nhằm vào Bộ Năng lượng và Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời đích thân nhắm vào ba quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả Bộ trưởng Nội vụ đầy quyền lực. Trong một nỗ lực khác, Tổng thống Donald Trump còn tuyên bố sẽ tăng 50% thuế nhập khẩu thép từ Thổ Nhĩ Kỳ và tạm dừng đàm phán thỏa thuận thương mại với nước này trị giá hơn 100 tỷ USD. Những hành động như vậy đối với một đồng minh là bất thường nhưng không phải chưa từng có. Tháng 8 năm ngoái, ông Trump từng cho phép tăng thuế quan rất lớn đối với mặt hàng thép và nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ để trả đũa Ankara giam giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Lúc đó, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất tới hơn 18% giá trị chỉ trong một ngày.

Với những thực tế trên, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Erdogan hứa hẹn sẽ có nhiều việc để bàn với người đồng cấp.

Ngọc Minh