“Đưa Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước”

- Thứ Bảy, 01/08/2020, 08:01 - Chia sẻ
Với những kết quả nổi bật, những mảng màu rất sáng trong lãnh đạo việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, có thể khẳng định, đến thời điểm này, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã lãnh đạo thực hiện đạt mục tiêu đề ra “đưa Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước”. Dẫu vậy, trước thời điểm kết thúc một nhiệm kỳ và được Trung ương giao nhiệm vụ mới, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng vẫn không ngừng trăn trở đối với việc tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; đề cao trách nhiệm, kỷ cương trong các cơ quan, đơn vị; đặc biệt, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu

- Thưa Ông, nhìn lại một nhiệm kỳ hoạt động sắp qua, trong những kết quả nổi bật trong lãnh đạo việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, ông tâm đắc với nội dung nào nhất?

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng chỉ đạo, với nhiều giải pháp mới, cách làm sáng tạo, từng bước khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, năng lực lãnh đạo của cấp ủy các cấp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cụ thể, Đảng bộ tỉnh đã chú trọng làm tốt công tác chính trị tư tưởng, coi trọng đổi mới việc học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; đồng thời, lựa chọn công tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt… Những kết quả đạt được đã tạo niềm tin, khí thế, động lực để tỉnh Quảng Trị tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị NGUYỄN VĂN HÙNG

- Nhiệm kỳ 2015 - 2020, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị và các cấp ủy đã bám sát, tập trung tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp với quyết tâm chính trị cao. Trên cơ sở nhận diện và nhận thức sâu sắc những thuận lợi, cơ hội, những khó khăn, thách thức, định vị lại Quảng Trị trong mối liên hệ với các tỉnh, thành phố trong khu vực để xác định rõ mục tiêu và định hướng phát triển, với nhiều giải pháp mới, đồng bộ.

Để xác định nhiệm vụ trọng tâm cho từng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã xác định chủ đề, chọn điểm, chọn việc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Nhờ xác định đúng, trúng những việc cần tập trung chỉ đạo đã nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội, tạo được những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động nên tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều điểm mới, điểm sáng trên tất cả các lĩnh vực.

Trong bối cảnh chung của cả nước, bên cạnh những ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, sự cố ô nhiễm môi trường biển, nhất là đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020... đã tác động trực tiếp đến quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và đời sống của Nhân dân trong tỉnh; nhưng đến thời điểm này, có thể khẳng định, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã lãnh đạo thực hiện đạt mục tiêu đề ra “đưa Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước” (trong 12 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, đã có 4 chỉ tiêu vượt, 3 chỉ tiêu đạt, 5 chỉ tiêu còn lại tiệm cận với chỉ tiêu Đại hội, dự báo đến cuối nhiệm kỳ sẽ đạt như kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt cao so với cả nước). Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 7,16%, tăng 1,25 điểm % so với nhiệm kỳ trước và cao hơn bình quân chung của cả nước (cả nước 6,8 điểm %, tăng 0,8 điểm % so với nhiệm kỳ trước). Quy mô nền kinh tế gấp 1,41 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 55,4 triệu đồng/năm, gấp 1,6 lần năm 2015, bằng 79,1% của cả nước (cả nước 70 triệu đồng/năm).

Trong từng ngành, lĩnh vực đã có sự phát triển nổi bật. Sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Thương mại, du lịch, dịch vụ tiếp tục phát triển; đã hình thành được nhiều sản phẩm, thương hiệu du lịch có thế mạnh… Đặc biệt, công tác thu hút đầu tư là một trong những điểm nhấn, là dấu ấn quan trọng. Tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược. Số dự án được cấp phép đầu tư tăng gấp 2,2 lần, tổng vốn đăng ký đầu tư tăng gấp 4,46 lần so với nhiệm kỳ trước; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 73.423 tỷ đồng, tăng 1,55 lần so với giai đoạn 2010 - 2015… Lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế có nhiều điểm sáng.

- Một nhiệm kỳ sắp qua với những nỗ lực không ngừng đã được minh chứng bằng những mảng màu rất sáng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề đặt ra với sự phát triển bền vững của địa phương, thưa ông?

- Đúng vậy. Bên cạnh những kết quả đáng phấn khởi trên, Quảng Trị vẫn còn không ít khó khăn, thách thức như: Chỉ số sản xuất nông nghiệp, thu nội địa chưa bền vững, chậm và chưa đạt kế hoạch đề ra; quy mô hoạt động đầu tư du lịch còn nhỏ, phương thức kinh doanh chậm được cải thiện, đổi mới… Bên cạnh đó, kỷ luật, kỷ cương, ý thức chấp hành mệnh lệnh hành chính ở một số ngành, địa phương chưa nghiêm; một số cán bộ, công chức còn để xảy ra sai sót trong quá trình tham mưu giải quyết công việc…

Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu Quảng Trị xác định phải tập trung thời gian tới đó là: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn nhằm khôi phục phát triển kinh tế. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cơ cấu kinh tế tỉnh đồng bộ theo các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình đã đề ra… Đặc biệt, cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; đề cao trách nhiệm, kỷ cương trong các cơ quan, đơn vị; đặc biệt nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức thực hiện nhiệm vụ, triển khai các giải pháp quyết liệt để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng kiểm tra tiến độ dự án phát triển hạ tầng KCN, KĐT  

Ảnh: T.Trúc 

Đưa chủ trương, chỉ đạo của cấp ủy và nghị quyết HĐND vào cuộc sống hiệu quả hơn

- Với vai trò là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, theo ông, việc nhất thể hóa 2 chức danh Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh đã tạo thuận lợi như thế nào trong việc lãnh đạo, đưa ra những định hướng phát triển cũng như triển khai những định hướng đó bằng những quyết sách của cơ quan dân cử và giám sát việc triển khai thực hiện những quyết sách đó?

- Theo tôi, chủ trương thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND các cấp là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp tục đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng trong tình hình mới; tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền, đồng thời góp phần tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách. Tại Quảng Trị, mô hình Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND tỉnh thời gian qua đã cụ thể hóa việc đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp Ủy đối với chính quyền cấp tỉnh và phát huy được những ưu điểm nổi bật. Chính vì vậy, các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy và của HĐND tỉnh nhanh chóng đi vào cuộc sống; vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy và hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền được nâng lên rõ rệt.

Là Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp cùng với Thường trực HĐND tỉnh thực hiện quyền giám sát đối với UBND tỉnh trong thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh và thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Thông qua giám sát, đã kịp thời phát hiện những bất cập, những vấn đề mới nảy sinh để chấn chỉnh, khắc phục hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trên địa bàn. Đồng thời, chế độ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các chủ trương, chính sách của địa phương được thuận lợi hơn thông qua vai trò Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND tỉnh... Những kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh với Tỉnh ủy, HĐND tỉnh liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh được Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tôi cho rằng, việc thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND tỉnh đã giúp đưa chủ trương, chỉ đạo của cấp ủy và nghị quyết của HĐND đi vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Diệp Anh thực hiện