Đừng chỉ dồn trách nhiệm cho địa phương

- Chủ Nhật, 19/07/2020, 05:24 - Chia sẻ
Đầu tháng 6 vừa qua, một cuộc họp về phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030 đã được tổ chức với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.

Việc phân lại các vùng, nói chính xác hơn là quy hoạch lại các vùng được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật Quy hoạch. Theo đó, quy hoạch vùng bao gồm rất nhiều nội dung: trước hết là phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng; xác định quan điểm, mục tiêu phát triển vùng. Tiếp đó là xác định phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng; phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bố nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng. Phương hướng xây dựng (bao gồm xác định hệ thống đô thị, nông thôn, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch, khu nghiên cứu, đào tạo, khu thể dục thể thao, khu bảo tồn, khu vực cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và đối tượng đã được kiểm kê di tích, vùng sản xuất tập trung). Phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng; phương hướng bảo vệ môi trường, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên lãnh thổ vùng; danh mục dự án và thứ tự ưu tiên thực hiện...

Việc tổ chức quy hoạch vùng bài bản, khoa học với tầm nhìn chiến lược rõ ràng cho từng vùng theo đúng tinh thần của Luật Quy hoạch được kỳ vọng sẽ tạo ra sức mạnh tổng thể, thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ của các địa phương trên cơ sở xác định rõ vai trò, vị trí của từng địa phương trong vùng để từ đó, cộng hưởng, tương hỗ lẫn nhau cùng phát triển.

Tại cuộc họp kể trên, hai phương án phân chia lại các vùng đã được đưa ra. Trong đó, một phương án là giữ nguyên 6 vùng như hiện nay. Phương án còn lại, sẽ chia thành 7 vùng, trong đó: giữ nguyên 3 vùng như hiện nay và tách, điều chỉnh đối với 3 vùng. Trong khi cả hai phương án hiện vẫn đang gây tranh luận thì một câu hỏi “cũ rích” nhưng còn nguyên tính thời sự lại được đặt ra là, phân vùng rồi sẽ làm gì nữa? 

Hỏi như thế là bởi, 3 “chìa khóa” để việc phân vùng, quy hoạch vùng phát huy hiệu quả gồm: cơ quan/cơ chế điều phối vùng, chính sách tài khóa và chính sách liên kết vùng thì đến nay, theo đánh giá của các chuyên gia, đều đang “có vấn đề”.

Cơ quan/cơ chế điều phối vùng, thậm chí là một “nhạc trưởng” có đủ quyền lực để điều phối các vấn đề của vùng và chính sách tài khóa vùng thì chưa thấy hiện diện trong các văn bản pháp luật. Trên thực tế, các tỉnh miền Trung đã lập ra một hội đồng và lãnh đạo các tỉnh trong vùng luân phiên làm Chủ tịch nhưng cũng khó có thể giải quyết được bài toán điều phối vùng. Ngay cả khi vai trò điều phối vùng được giao cho cấp cao hơn, như với đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng đã giao cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phụ trách điều phối vùng thì thực tế cũng chưa đủ hiệu lực vì các vấn đề liên kết vùng này có liên quan đến thẩm quyền của rất nhiều bộ, ngành.

Còn chính sách cụ thể về liên kết vùng, dù được đề cập đến rất nhiều nhưng việc thực hiện vẫn mờ nhạt. Cứ soi chiếu vào các vùng hiện nay sẽ thấy, tình trạng phổ biến là dù trong cùng một vùng nhưng sự liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh trong vùng rất hạn chế. Các địa phương vẫn chủ yếu là “mạnh tỉnh nào tỉnh đó làm”. Vậy nên mới có câu chuyện, 63 tỉnh, thành phố hiện vẫn là 63 “nền kinh tế” riêng rẽ, nếu không muốn nói là còn chạy đua, cạnh tranh quyết liệt với nhau trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư. Thậm chí, càng những tỉnh trong cùng một vùng thì sự cạnh tranh lại càng quyết liệt bởi các địa phương này thường sẽ có những điểm tương đồng về điều kiện, tiềm năng, thế mạnh nên muốn thu hút được nguồn lực đầu tư họ sẽ buộc phải có những chính sách ưu đãi vượt trội so với địa phương lân cận.

Nói như vậy để thấy rằng, cho dù chọn phương án phân vùng nào và dù các quy hoạch vùng tới đây đều đáp ứng được yêu cầu của Luật Quy hoạch thì vẫn phải xác lập quan điểm và cách thức xử lý rõ ràng với 3 vấn đề mấu chốt, đó là: cơ quan/cơ chế điều phối vùng; chính sách tài khóa vùng và chính sách liên kết vùng. Đây là những vấn đề mà Trung ương phải điều hành, phải xác lập cơ chế cụ thể để thực thi chứ không thể cứ trông đợi và dồn trách nhiệm cho các địa phương trong từng vùng được.  

Hải Lam