Đừng để "trăm dâu đổ đầu người bệnh"!

- Thứ Năm, 10/09/2020, 06:02 - Chia sẻ
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai. Ai dính dáng, sai phạm tới đâu cần được làm rõ và xử lý nghiêm để đủ sức răn đe.

Thời gian qua, rất nhiều bệnh viện đã liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để mua sắm trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Về phía người bệnh, ngoài nỗi khổ sở, muộn phiền vì đau ốm thì nhiều người trong số họ thực sự rất túng thiếu. Ngay tại Bệnh viện Bạch Mai, nhà lưu trú dành cho người nhà bệnh nhân nghèo lúc nào cũng kín phòng và không thiếu cảnh người đi theo chăm sóc chẳng có tiền mua cơm, phải nhờ tới sự trợ giúp của những người xung quanh, thậm chí là của đội ngũ y bác sĩ. 

Vì lẽ đó, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người bệnh không chỉ là tội hình sự mà còn vô cùng táng tận lương tâm. Nếu chính lãnh đạo các bệnh viện, những “từ mẫu” như lời Bác Hồ, cũng thông đồng, câu kết khi liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nâng khống giá thiết bị để “móc túi” người bệnh thì càng không thể chấp nhận được. Trường hợp lãnh đạo bệnh viện thực sự là “nạn nhân” (lời TS. Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói với báo chí), thì việc gật đầu với bất cứ giá nào bên thẩm định đưa ra mà không tìm hiểu, đối chiếu qua kênh khác đã cho thấy sự vô trách nhiệm không thể chối cãi.

Vụ việc nâng khống giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai bị phanh phui là dịp để nhìn lại thật kỹ lưỡng việc thực hiện chủ trương xã hội hóa, liên kết công - tư trong lĩnh vực y tế.

Tính đến hết năm 2018, 100% đơn vị sự nghiệp y tế trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Cơ chế này từng bước phát huy tính năng động của một số bệnh viện; khuyến khích và tạo điều kiện cho các bệnh viện huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị. Thông qua đó, người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến, hiện đại, còn bệnh viện có thêm nguồn thu. Nhiều bệnh viện cũng không còn trông chờ, ỷ lại vào ngân sách như trước nữa.

Tuy nhiên, đầu tư tư nhân thường mang tính thương mại, vì mục đích lợi nhuận, điều đó vô hình trung đã đẩy giá khám, chữa bệnh lên cao. Và đáng nói hơn là trong sự liên doanh, liên kết ồ ạt giữa các bệnh viện và doanh nghiệp đã thấp thoáng bóng dáng của lạm dụng nguồn lực công, của lợi ích nhóm trong hợp tác và phân chia lợi nhuận.

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước những năm gần đây cho thấy, một số bệnh viện chia lợi nhuận cho đối tác ngay cả khi đã hết thời gian liên doanh, liên kết; chưa đánh giá đúng và đủ các chi phí về mặt bằng, thương hiệu của bệnh viện hoặc chưa làm rõ giá trị máy móc thiết bị, gây bất lợi cho bệnh viện. Cũng có trường hợp thời gian ký hợp đồng liên kết dài hơn thời gian khấu hao của máy móc, thiết bị; nhà đầu tư ký kết hợp tác đầu tư thiết bị y tế với bệnh viện nhưng kèm theo các điều khoản như độc quyền cung cấp hóa chất hay những điều khoản khác nhằm có lợi thật nhiều cho nhà đầu tư. Ngoài ra, áp lực về doanh thu có thể dẫn đến tình trạng bệnh viện chỉ định dùng máy liên doanh, liên kết, “bỏ mặc” máy móc đầu tư từ nguồn ngân sách dù chúng còn sử dụng tốt, gây lãng phí tài sản công.

Thực tế đòi hỏi Bộ Y tế sớm ban hành cơ chế hoạt động liên doanh, liên kết với nguyên tắc phải bảo đảm minh bạch, công khai để tránh nguy cơ lợi ích nhóm và giảm bớt gánh nặng cho người bệnh. Việc này rất quan trọng vì nhu cầu huy động vốn của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tới đây là rất lớn. Nếu hành lang pháp lý không đủ chặt chẽ sẽ khó tránh khỏi những vụ việc tương tự như ở Bệnh viện Bạch Mai và nhiều bệnh viện khác - đã được phanh phui trong thời gian qua. Khi ấy, trăm dâu lại đổ lên đầu người bệnh!

Hà Lan