Đừng để “trở tay không kịp”

- Thứ Hai, 03/08/2020, 08:08 - Chia sẻ
Trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì đoàn cán bộ, trong đó có lãnh đạo tỉnh Thái Bình vẫn lên đường đi “công cán” tại một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Dư luận đặt câu hỏi tinh thần “chống dịch như chống giặc” để đâu khi địa phương vẫn tổ chức đoàn đi công tác xa, trong khi nhiều tỉnh, thành phố đang phải căng mình với thách thức mới về đại dịch?

Ngày 25.7, Đà Nẵng đã phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới sau 99 ngày cả nước không có ca nào lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 18 giờ chiều ngày 2.8, Việt Nam ghi nhận 620 trường hợp nhiễm Covid-19. Tình hình đó cho thấy, dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm ra nhiều địa phương khác.

Minh chứng là những ngày qua, một số tỉnh thành đã xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 mới là: Hà Nội, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh. Và mới đây nhất, chiều 1.8, tỉnh Thái Bình đã xuất hiện trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19. Thực tế này đòi hỏi các bộ, ngành địa phương và người dân cần chủ động, tích cực hơn nữa để kiểm soát, phòng, ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Không chỉ tăng về số ca nhiễm, những ngày qua Việt Nam đã có những bệnh nhân đã tử vong do có tiền sử bệnh nền và bị nhiễm Covid-19. Điều này đặt ra yêu cầu, chúng ta không được phép chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh quay trở lại, dù trước đó Việt Nam đã từng được đánh giá là “biểu tượng” trong phòng, chống Covid-19. Phải sát sao, quyết liệt hơn để triển khai những giải pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả.

Trong phiên họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19 ngày 29.7 vừa qua, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương phải nêu cao tinh thần cảnh giác trước tình hình dịch trở lại. Đồng thời, yêu cầu ngành y tế, tài chính và các địa phương cần bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế, “hỏi đâu có đó”, nhất là phương tiện, công cụ trong xét nghiệm cũng như cán bộ có liên quan...

Trong tình hình dịch bệnh như vậy thì việc tổ chức đoàn công tác liệu có phù hợp? Có hay không sự lơ là, chủ quan của những người nhẽ ra phải ở nhà chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống dịch ở địa phương?

Được biết, ngay sau khi Thái Bình xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh này cũng đã hủy lịch trình để trở về tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Điều này là rất cần thiết. Bởi trong công cuộc chiến cam go với đại dịch này, nếu cứ phó mặc cho ngành y tế là không ổn. Tỉnh này quyết liệt, nhưng tỉnh kia lại chủ quan, lơ là thì cũng không ngăn được đại dịch.

Hơn lúc nào hết, giờ là lúc cần sự vào cuộc một cách quyết liệt, chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo mỗi địa phương về phòng, chống dịch. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Các đồng chí bí thư, chủ tịch ở địa phương phải “ra tay”, hệ thống chính trị phải vào cuộc và người dân phải cảnh giác thực hiện một số biện pháp về phòng, chống dịch đã được phổ biến. Bởi nếu để xảy ra “tình hình xấu rồi thì sẽ trở tay không kịp”.

Lê Hùng