Đừng để vàng rơi!

- Thứ Hai, 06/07/2020, 05:07 - Chia sẻ
Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn), đứng thứ 24 trong nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu đồng thời là nhà cung ứng, sản xuất linh kiện chính cho Apple, đang đề xuất đầu tư 3 khu nhà ở công nhân quy mô lớn tại Bắc Giang, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Không dừng lại ở đó, Foxconn còn muốn đầu tư thêm một khu công nghiệp quy mô 600ha tại Bắc Giang và tiếp tục mở rộng khu công nghiệp Bình Xuyên 2 giai đoạn II tại tỉnh Vĩnh Phúc, quy mô 70ha.

Thông tin này dấy lên đồn đoán Foxconn đang chuẩn bị cho việc mở rộng đầu tư ở Việt Nam thời gian tới và rất có thể Việt Nam sẽ là điểm đến của Apple. Một ngày nào đó, biết đâu các sản phẩm công nghệ đình đám nhất thế giới như iPhone, iPad… sẽ mang dòng chữ “made in Vietnam”.

Một tin vui khác là tháng 6 vừa qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng trở lại sau khi giảm trong tháng 5, đồng thời tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. Quy mô dự án đầu tư mới cũng tăng lên đáng kể, đạt 4,8 triệu USD/dự án, cao hơn 67,2% so với tháng 5.

Bên cạnh những thông tin lạc quan như vậy, có một thực tế là bức tranh thu hút FDI trong nửa đầu năm nay vẫn chưa khởi sắc, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm vì đại dịch. Tính đến ngày 20.6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019. Lĩnh vực vông nghiệp chế biến, chế tạo vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của các nhà đầu tư, chiếm tỷ trọng 58,6% tổng số vốn đăng ký, tiếp đến là kinh doanh bất động sản và phân phối điện.

Cho đến hiện tại (và có thể tới hết năm nay), việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn bị ảnh hưởng. Phân tích kỹ hơn số liệu trong nửa đầu năm nay sẽ thấy, số dự án mới và điều chỉnh vốn đều giảm so với cùng kỳ, nhất là các dự án đăng ký mới. Vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn tuy tăng lên nhưng chủ yếu nhờ các dự án lớn đã được nộp hồ sơ và đàm phán trong một thời gian dài trước đó. Chẳng hạn, riêng dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD đã chiếm 47,4% tổng vốn đăng ký mới. Nếu không tính các dự án lớn trên 1 tỷ USD, thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm chỉ bằng 70,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Kết quả này liệu có mâu thuẫn với những nhận định về cơ hội “hiếm có”, "cơ hội vàng” cho Việt Nam, sự “chuyển biến ngoạn mục”, gây “kinh ngạc” cho thế giới… thời hậu đại dịch hay không?

Trên thực tế, cơ hội để Việt Nam trở thành “điểm đến hấp dẫn của FDI” ràng là có! Đại dịch Covid-19 khiến một số quốc gia như Mỹ, EU và Nhật Bản có kế hoạch khuyến khích và hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp dịch chuyển cơ sở sản xuất. Ước tính sẽ có khoảng 2.000 tỷ USD dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Trong bối cảnh như vậy, thành công của Việt Nam trong việc khống chế dịch Covid-19 đã góp phần xây dựng và củng cố lòng tin nơi các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư cũng ghi nhận Việt Nam ứng xử nhất quán với dòng vốn đầu tư nước ngoài, luôn coi đây là một cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Sự “quay trở lại” của Foxconn, sau khi “lãng quên” lời hẹn đầu tư 5 tỷ USD vào Việt Nam từ năm 2007, là một dẫn chứng “nặng ký”. Một bằng chứng khác là Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) cũng vừa bày tỏ mong muốn được đầu tư hai dự án điện khí tại Hải Phòng và Long An, với quy mô hàng tỷ USD. Trong đó, riêng dự án tại Hải Phòng có vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD.

Vàng có đấy nhưng quan trọng ta có đãi được không hay lại để rơi! Việt Nam sẽ lấy được bao nhiêu % trong số 2.000 tỷ USD đó? Quanh ta, nhiều quốc gia đã có những hành động cụ thể để tranh thủ cơ hội các nhà đầu tư sôi sục dịch chuyển sản xuất khi có đại dịch. Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư an toàn, ổn định và hấp dẫn cần tranh thủ thời cơ, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng thu hút FDI. Tổng thời gian để các doanh nghiệp nước ngoài đứng sẵn bên ngoài, từng hào hứng kỳ vọng vào Nghị quyết 50, đến nay gần tròn một năm. Nếu đã có Nghị quyết mà vẫn từ từ, hành động thủng thẳng, thì Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội vàng, hàng trăm năm mới có một.

Hà Lan