Đừng đơn giản quá!

- Thứ Tư, 15/07/2020, 06:14 - Chia sẻ
Sáng qua, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn - một việc mà theo đánh giá của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là, thể hiện sự thận trọng nhiều hơn là về thẩm quyền bởi trước đó, Chính phủ đã hai lần trình và trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã ban hành hai nghị định quy định về lĩnh vực này vào năm 2012, 2016.

Tiếc rằng, sự thận trọng như vậy lại chưa được thể hiện trong các nội dung chi tiết, thậm chí là còn khá đơn giản trong một số nội dung cốt lõi của dự thảo Nghị định. Chẳng hạn như nội dung được cơ quan chủ trì soạn thảo tâm đắc là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, dự thảo Nghị định đã cắt giảm 5/10 thủ tục hành chính bao gồm: cấp giấy phép cho người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu. Với 5 thủ tục hành chính còn lại cũng được đơn giản hóa, thay đổi hình thức quản lý từ kiểm duyệt sang kiểm tra, xử lý vi phạm (chuyển từ thẩm định, phê duyệt nội dung biểu diễn nghệ thuật, bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu sang đăng ký hoạt động biểu diễn nghệ thuật và lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật).

Chưa bàn đến việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính như vậy có thực chất hay không, có “bình mới rượu cũ” như cách làm của nhiều cơ quan quản lý vừa qua hay không thì các quy định trong dự thảo Nghị định còn làm nảy sinh một nỗi lo khác: liệu có buông lỏng quản lý nhà nước trong một lĩnh vực hết sức đặc thù, đặc biệt, tác động trực tiếp đến nhận thức, văn hóa, tư tưởng của người dân hay không?

Hoạt động nghệ thuật biểu diễn được xác định là một lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Vì thế, cơ chế chuyển từ phê duyệt thẩm định sang kiểm tra và xử lý vi phạm, như nhận xét của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, “nghe có vẻ rất hay, rất tân tiến, tạo thuận lợi cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn”, nhưng chúng ta có đơn giản quá không khi nhìn nhận đây chỉ là lĩnh vực kinh doanh thuần túy, dù là kinh doanh có điều kiện? Bởi thực tế, có những hoạt động nghệ thuật biểu diễn không chỉ là một ngành nghề kinh doanh mà còn tác động rất lớn, trực diện và phức tạp đến vấn đề văn hóa, nhận thức của công chúng. Một chương trình biểu diễn nghệ thuật nếu không được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng tác động về mặt nghệ thuật, về mặt văn hóa, tư tưởng đã được công chiếu, được phổ biến đến đông đảo công chúng thì việc hậu kiểm để xử lý vi phạm có còn kịp nữa hay không?

Lo ngại ấy không phải là không có căn cứ, nhất là khi, các nội dung phức tạp và nhạy cảm về “chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, “xuyên tạc lịch sử, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”; “xâm phạm an ninh quốc gia”, “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, “xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo”, “phân biệt chủng tộc”, “kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước”… lẽ ra phải được xác định dứt khoát là các điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn thì dự thảo Nghị định lại chỉ quy định đây là nguyên tắc, tức là hoạt động nghệ thuật biểu diễn “không có một trong các nội dung” này.

Hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa qua, đúng như nhận xét ngắn gọn nhưng thấm thía của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển là, “nhiều trái ngọt nhưng cũng không thiếu những trái đắng, không thiếu những hoạt động lệch lạc, chạy theo cơ chế thị trường, phản ánh méo mó cuộc sống”. Cũng cần nói thêm rằng, những trái đắng đó có thể hình thành, tác động đến công chúng là bởi có một phần rất quan trọng từ sự lơi lỏng trong quản lý nhà nước. Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có cả những “mầm xanh” không có cơ hội trở thành trái ngọt bởi sự cứng nhắc và thô bạo của quản lý nhà nước, nói chính xác hơn là một số cá nhân được trao quyền cấp phép, thẩm định, phê duyệt các chương trình, hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Thực tế này đặt ra một bài toán rất lớn đối với quản lý nhà nước: Làm thế nào để vừa thu hút được các nguồn lực của xã hội vào hoạt động nghệ thuật biểu diễn, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm các hoạt động này phát triển đúng định hướng văn hóa, tư tưởng, bảo đảm các giá trị chân, thiện, mỹ. Vì thế, nếu chỉ nhìn nhận hoạt động nghệ thuật biểu diễn một cách đơn giản như trong dự thảo Nghị định thì e rằng khó mà giải được bài toán này.

Lam Anh