“Đừng luyến tiếc những thủ tục rườm rà”

- Thứ Ba, 11/08/2020, 07:59 - Chia sẻ
“Cái gì tiến bộ, hiện đại, thuận tiện cho cuộc sống của nhân dân thì chúng ta phải làm, đừng luyến tiếc những thủ tục hành chính quá rườm rà”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân một lần nữa nhắc lại tinh thần này trong phiên họp sáng qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi đề cập tới việc giữ hay bỏ sổ hộ khẩu.

Cho đến giờ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Công an đã tìm được tiếng nói đồng thuận trong hầu hết các vấn đề lớn của dự thảo Luật Cư trú, trừ thời điểm có hiệu lực của luật và quy định chuyển tiếp liên quan tới số phận của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Cụ thể, Bộ Công an muốn Luật Cư trú có hiệu lực từ 1.7.2021 và sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ hết giá trị ngay tại thời điểm này. Việc quản lý cư trú cũng lập tức được chuyển sang số hóa thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân.

Trong khi đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật - dù khẳng định phương thức quản lý mới là hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện đại hóa quản lý nhà nước và bảo đảm thuận lợi cho công dân - nhưng cho rằng cần có quá trình chuyển tiếp, đến năm 2025 mới chấm dứt sự tồn tại của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Lý do cơ quan thẩm tra đưa ra đề xuất này là bởi hiện vẫn có gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ đang yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Trong khi đó, một số điều kiện kỹ thuật bảo đảm việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành với cơ quan, bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và phải cần một số năm nữa mới có thể hoàn thành. Với điều kiện như vậy, nếu bỏ ngay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ gây xáo trộn lớn đến hoạt động của cơ quan, tổ chức; gây khó khăn, phiền phức cho người dân khi thực hiện thủ tục cần phải chứng minh thông tin về nơi cư trú.

Lo lắng trên đây có cơ sở nhưng nếu cứ đà này bao giờ mới loại bỏ được tư duy hộ khẩu trong các cơ quan quản lý nhà nước, bao giờ người dân mới chấm dứt được những nỗi khổ liên quan đến sổ hộ khẩu đã đeo bám hàng chục năm nay.

Có một cách tiếp cận khác - đáp ứng được mong mỏi của người dân, vì lợi ích của người dân - đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ ra. Đó là “cái gì tiến bộ, hiện đại, thuận tiện cho cuộc sống của nhân dân thì chúng ta phải làm”; “thủ tục do chúng ta định ra, nếu lạc hậu rồi thì chúng ta bỏ, phải cải cách"; “đừng luyến tiếc những thủ tục hành chính quá rườm rà”; “giảm bớt thủ tục cho dân nhờ”.

Loại bỏ cuốn sổ hộ khẩu hữu hình tuy chưa đủ để giải quyết những bài toán phức tạp phát sinh từ vấn đề di cư và đô thị hóa nhưng đây chắc chắn là bước khởi đầu cần thiết. Và nếu phương án chấm dứt sự tồn tại của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú ngay từ tháng 7 năm tới được Quốc hội thông qua, nhiều cơ quan sẽ phải vất vả hơn, nỗ lực và quyết tâm hơn trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cả về kỹ thuật và pháp lý để chuyển đổi sang phương thức quản lý dân cư mới hiện đại, văn minh và nhân văn hơn. Nhưng, vì lợi ích của người dân thì khó mấy cũng làm, thế mới là chính quyền của dân, vì dân.

Hà Lan