Phát triển doanh nghiệp công nghệ

Đừng nghĩ đến mỗi thị trường Việt Nam

- Thứ Ba, 07/05/2019, 07:53 - Chia sẻ
Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp công nghệ muốn phát triển thì “khi xây dựng sản phẩm cần hướng tới việc tất cả mọi người trên thế giới đều sử dụng được… Đừng nghĩ làm cái này chỉ cho thị trường Việt Nam! Nếu không sẽ khó tăng trưởng”. Đây là ý kiến tại cuộc họp báo giới thiệu Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều qua.

Ưu đãi… trên giấy

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT - TT), đến hết năm 2018, cả nước có trên 50.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Trong đó, có khoảng 30.000 doanh nghiệp trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung chủ yếu các lĩnh vực phần cứng, phần mềm và nội dung số. Tổng doanh thu toàn ngành ước đạt khoảng 98,9 tỷ USD, tăng trưởng 8%; đóng góp gần 50.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động.

Trên thực tế, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ ngành, trong đó có Bộ TT - TT ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ phát triển như các chính sách ưu đãi về thuế. Chẳng hạn, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2013, các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin được ưu đãi thuế suất 10% lên đến 15 năm và 20% lên đến 10 năm; miễn, giảm thuế có thời hạn tối đa đến 9 năm…; giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin theo Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26.5.2016 của Chính phủ… Cùng với đó, nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng đã góp phần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ICT.


Toàn cảnh họp báo Ảnh: Đan Thanh

Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Công ty VCCorp Nguyễn Thế Tân, trên thực tế, thuế của khối doanh nghiệp công nghệ vẫn cao hơn so với Trung Quốc. “Các ưu đãi trên giấy thì có nhưng thực tế hằng năm hạch toán chưa thấy đâu”, ông nói. Thêm vào đó, chính sách pháp lý vẫn theo hướng “phục vụ tư duy cũ”. Ông Tân lấy dẫn chứng, Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu các xe taxi Grab phải gắn mào, trong khi các xe này sử dụng hệ thống kết nối người lái xe với khách hàng qua ứng dụng công nghệ thì “cần gì đến cái mào nữa!”. Hay trong mảng nội dung số, “mạng xã hội như facebook có cần giấy phép, tôn chủ mục đích, giấy phép sản xuất nội dung đâu mà nó vẫn chạy được. Khi có một số cá nhân thông tin giả mạo trên facebook thì ngay lập tức chúng ta bắt phạt người nói sai, nhưng nếu là mạng xã hội của Việt Nam thì lại bắt phạt ông chủ quản”, ông Tân nêu vấn đề.

Quan trọng nhất là nguồn nhân lực

Khẳng định “trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, các doanh nghiệp của Việt Nam chỉ có một lựa chọn là có đi theo hướng đó hoặc sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh, thế chỗ”, Giám đốc Khu vực miền Bắc, Công ty Haravan Phạm Hải Văn tin tưởng: “Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có được những sản phẩm công nghệ cạnh tranh trực tiếp được với doanh nghiệp nước ngoài”.

Trên thực tế, tiềm lực phát triển của khối doanh nghiệp công nghệ ngày càng thể hiện rõ nét. Ông Tân lấy dẫn chứng, nếu như trước đây, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) phải mua thiết bị mạng của nước ngoài thì bây giờ đã tự làm một phần mạng 5G, tiến tới làm chủ hoàn toàn, trong khi hiện thế giới mới chỉ có 4 doanh nghiệp làm được; hay việc một số doanh nghiệp đi lên từ chính mảng nội dung số mà không phải dựa vào nguồn tiền từ bất động sản... Thêm vào đó, tiềm lực về nguồn nhân sự công nghệ thông tin không thiếu, “vấn đề là chúng ta có đủ tiền trả cho họ hay không?”, ông nói.

Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT - TT) Tô Thị Thu Hương tỏ ý lạc quan khi nhìn nhận về tiềm lực, tiềm năng phát triển của khối doanh nghiệp công nghệ hiện nay. “Mục tiêu có 100.000 doanh nghiệp công nghệ vào năm 2030 là một tham vọng nhưng với tiềm lực này, chúng ta hoàn toàn đạt được”, bà Thu Hương nhấn mạnh.

Song, trong bối cảnh nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp vẫn “trên giấy”, làm gì để thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ phát triển là bài toán đặt ra với không chỉ với cơ quan quản lý nhà nước.

Theo đại diện doanh nghiệp, để phát triển khối doanh nghiệp công nghệ, các cơ chế chính sách ưu đãi cần mang tính thực chất hơn. “Yếu tố quan trọng nhất là con người - nguồn nhân lực chất lượng cao. Song, đội ngũ kỹ sư công nghệ ở Việt Nam vẫn còn khoảng cách không chỉ về khả năng công nghệ mà cả ngoại ngữ (tiếng Anh). Do đó, yếu tố then chốt cần sự tham gia của Chính phủ và các trường đại học trong đào tạo nguồn nhân lực”, Giám đốc công nghệ Công ty GotIt Hùng Trần nêu ý kiến.

Về phía doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng không thể và không nên ngồi chờ chính sách. Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm lời giải cho các bài toán đặt ra đối với mình. “Lời khuyên cho doanh nghiệp là khi xây dựng sản phẩm cần hướng tới việc tất cả mọi người trên thế giới đều sử dụng được. Khi đó sẽ giải quyết được nhiều bài toán đặt ra tiếp theo như khi ra khỏi thị trường Việt Nam thì tìm cộng sự thế nào, chiến lược tấn công vào thị trường khác ra sao…, qua đó xây dựng doanh nghiệp ngày một lớn hơn. Đừng nghĩ làm cái này chỉ cho thị trường Việt Nam! Nếu chỉ nghĩ cho thị trường nhỏ thì chiến lược, mọi thứ đều bó hẹp, khó tăng trưởng”, ông Hùng Trần nêu ý kiến.

 Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” cùng khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam” diễn ra ngày 9.5 tới, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Diễn đàn sẽ tập trung chia sẻ tầm nhìn, định hướng của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; thực trạng, nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ Việt giải quyết bài toán Việt; kinh nghiệm thoát bẫy thu nhập trung bình bằng phát triển doanh nghiệp công nghệ; chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ…

Lý giải về khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam”, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin cho biết: Đây là câu tiếng Anh có khả năng tạo hiệu ứng truyền thông tốt. Đặc biệt, thay vì sự bị động trong “Made in Vietnam”, “Make in Vietnam” thể hiện sự chủ động của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong sản xuất, thiết kế sản phẩm công nghệ, thể hiện khao khát của người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ.

Đan Thanh