Sử dụng giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo

Đúng người, đúng việc, đúng trình độ

- Thứ Năm, 13/08/2020, 08:45 - Chia sẻ
Luật Giáo dục (2019) có hiệu lực từ ngày 1.7.2020, trong đó có điểm mới là nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư Quy định sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo, để cụ thể hóa quy định này. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Ngô Thị Minh, việc làm này là cần thiết, song cũng cần tính toán có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp hợp lý, ghi nhận đóng góp của nhà giáo.

Không để lãng phí nguồn nhân lực

- Tại sao chúng ta đặt ra yêu cầu phải nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên tại thời điểm này, thưa bà?

- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhận định tình hình thời gian qua: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”. Như vậy, việc chuẩn hóa giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành giáo dục và đào tạo trong tình hình mới. Vì thế, Điều 72, Luật Giáo dục (2019) quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, cụ thể: Giáo viên mầm non có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS, THPT có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư Quy định sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo. Theo bà, điều này có ý nghĩa như thế nào?

- Để bảo đảm tính khả thi, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục, bảo đảm chất lượng đào tạo và yêu cầu nghề nghiệp, Luật Giáo dục (2019) đã giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Do đó, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Thông tư nêu trên là giải pháp để sử dụng số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục hiện tại chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo sao cho không bị lãng phí nguồn nhân lực của ngành.

Cần tính đến năng lực thực tế và phẩm chất, đạo đức 

  - Thực tế, nhiều giáo viên đang rất tâm tư, bởi theo dự thảo Thông tư, giáo viên trong 2 năm liên tiếp có kết quả đánh giá, xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp và 1 năm bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, thì sẽ không được bố trí giảng dạy mà điều động sang vị trí khác?

  - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính đến lộ trình và kế hoạch thực hiện các quy định. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì ngành giáo dục địa phương cần phải thống kê đầy đủ thông tin phân loại giáo viên, xem xét việc đánh giá giáo viên “không đạt chuẩn” theo tiêu chí rõ ràng, công khai, bảo đảm khách quan, dân chủ để có kế hoạch bố trí đào tạo, đào tạo lại theo dự định công việc chuyển đổi của giai đoạn mới, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp.

Có điều, Khoản 1, Điều 3, dự thảo Thông tư cần nhấn rõ hơn trách nhiệm của cơ sở giáo dục và của giáo viên “trong 02 (hai) năm liên tiếp liền kề với năm Thông tư này có hiệu lực thi hành” chưa đạt chuẩn nghề nghiệp, được phân loại, đánh giá viên chức xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên, có đủ sức khỏe thì cần phải được sắp xếp thời gian, tạo điều kiện để được tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để có thể đạt chuẩn nghề nghiệp theo quy định của pháp luật, phù hợp với lộ trình đặt ra. Như vậy, số giáo viên này sẽ cố gắng hơn để đạt chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng vị trí việc làm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Việc nhấn rõ này thể hiện tính nhân văn, ghi nhận những đóng góp của giáo viên chưa đạt chuẩn bằng cấp nhưng có tâm huyết, sức khỏe, kinh nghiệm... vì hoàn cảnh mà chưa có điều kiện thực hiện vào giai đoạn trước đó, đặc biệt đối với đội ngũ giáo viên miền núi dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những vùng đặc biệt khó khăn. Điều này cũng thể hiện quan điểm không chỉ đòi hỏi về bằng cấp mà cần tính đến năng lực thực tế và phẩm chất, đạo đức của giáo viên.

Ảnh: Quang Khánh

Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và chuyển đổi nghề nghiệp hợp lý

      - Với những giáo viên không đạt chuẩn nghề nghiệp, nên bố trí, sắp xếp công việc như thế nào để vẫn bảo đảm đời sống của họ và không bị lãng phí nguồn nhân lực của ngành giáo dục?

  -  Về nguyên tắc khi giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ đã buộc phải xem xét kiểm điểm... tùy vào từng mức độ công việc. Song quy định trong dự thảo Thông tư là nhằm mục tiêu nâng cao đạo đức nghề nghiệp, sử dụng nhân sự ngành giáo dục đúng người, đúng việc, đúng vị trị trí, đúng trình độ, tiêu chuẩn. Những giáo viên không đạt chuẩn sẽ được bố trí làm công việc khác theo quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12.7.2017 hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.  

Điều quan trọng là Nhà nước xem xét về chính sách đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi đạo đức nghề nghiệp cùng với chính sách chuyển đổi nghề nghiệp sao cho hợp lý, ghi nhận sự đóng góp, gắn bó một thời tuổi trẻ cho sự nghiệp trồng người xét trên từng nhóm giáo viên có hoàn cảnh cụ thể.

 Bất kỳ nghề nghiệp gì cũng cần có chuyên môn và nghiệp vụ. Khi giáo viên đã gắn bó hàng chục năm hoặc nhiều hơn với nghề giáo thì cũng không dễ bắt tay làm quen với các công việc khác. Nhưng đây là việc không thể không làm. Nếu giáo viên có ý chí, nghị lực, được sự hỗ trợ của chính sách Nhà nước hợp lý, chắc chắn các thầy cô sẽ vượt qua.

 - Xin cảm ơn bà!

Hương Linh thực hiện