Góc nhìn

Đừng say sưa với tăng trưởng du lịch

- Thứ Ba, 16/07/2019, 07:32 - Chia sẻ
Trong một thập kỷ qua, Việt Nam đã trải qua giai đoạn bùng nổ số lượng khách du lịch, bao gồm cả khách trong nước lẫn khách quốc tế. Tình trạng quá tải đã ở mức báo động, nếu tiếp tục tăng trưởng mà không quản lý tốt, Việt Nam có thể phải trả giá đắt. Đó là cảnh báo của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới khi chứng kiến tình trạng du khách ùn ùn kéo đến các điểm du lịch trong khi hạ tầng không theo kịp.

Số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 4 lần, từ 4,2 triệu lượt năm 2008 lên mức 15,5 triệu năm 2018. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng nhảy vọt 3 năm qua, từ mức bình quân khoảng 9%/năm giai đoạn 2008 - 2015 lên đến 25% giai đoạn 2016 - 2018. Khách trong nước cũng tăng không kém với số lượt khách tăng gấp 4 lần, từ 20,5 triệu năm 2008 lên 80 triệu năm 2018 nhờ sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Ngân hàng Thế giới cho rằng, các điểm du lịch hiện gặp rủi ro quá tải hoặc đã phá vỡ giới hạn về năng lực, do đó cần cân nhắc áp dụng các biện pháp và hệ thống để cải thiện quản lý luồng khách.

Thật ra, không phải đến khi Ngân hàng Thế giới cảnh báo chúng ta mới ý thức được sự phát triển nóng khiến ngành du lịch gặp nguy cơ dễ bị tổn thương về năng lực hạ tầng và sự bền vững về môi trường. Từ lâu, nhiều chuyên gia đã cảnh báo việc du khách mới tiếp tục đổ vào những điểm thị trường du lịch đại chúng, quen thuộc vốn đã quá tải, sẽ dẫn đến nhiều thách thức. Từ sân bay tới hệ thống lưu trú dù được đầu tư xây dựng, phát triển nhiều năm trở lại đây cũng chưa thể đáp ứng ngay số lượng lớn khách. Khi hạ tầng chưa đáp ứng mà lượng du khách quá đông sẽ chỉ có tác dụng ngược. Nói như tổng giám đốc một công ty lữ hành có 12 năm kinh nghiệm phục vụ khách Âu: “Đó chính là yếu tố kéo lùi du lịch Việt Nam”.

Tăng trưởng khách du lịch tràn lan đe dọa sự bền vững ở các điểm du lịch quan trọng. Số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến phố cổ Hội An (Quảng Nam) đã tăng gấp hai lần (từ 1,2 triệu lên 2,4 triệu khách) trong hai năm qua, dù chính quyền địa phương bắt đầu thực hiện thu vé du khách muốn thăm phố cổ, nhưng chưa thật sự kiểm soát được và tình trạng quá tải đã xảy ra. Lượng khách du lịch đến Nha Trang (Khánh Hòa) cũng đã gấp 10 lần so với dân số ở đây. Không gian du lịch của Nha Trang ngày càng chật chội, khả năng tiếp nhận thêm khách du lịch ngày càng ít khiến cho ngành du lịch lúng túng. Tại Sa Pa (Lào Cai), một trọng điểm du lịch ở khu vực Tây Bắc, ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông bắt đầu hủy hoại vẻ đẹp mộc mạc vốn có của vùng đất này. Đó là chưa kể sự nở rộ dịch vụ cáp treo, tạo điều kiện đưa khối lượng lớn du khách đến những địa điểm chưa nhất thiết đã sẵn sàng cho khối lượng khách như vậy.

Vậy chúng ta cứ phải đặt mục tiêu năm sau đón khách nhiều hơn năm trước làm gì khi “du lịch đang như lòng máng”, khách vào rồi trôi tuột đi mà không thẩm thấu vào nền kinh tế và người dân địa phương? Nên chăng cần thay đổi tư duy phát triển du lịch, tập trung vào chất lượng chứ không chỉ số lượng khách như hiện nay? Thực tế đòi hỏi chúng ta không thể chỉ say sưa với những con số tăng trưởng mà phải nghiêm túc nhìn lại được - mất và nghĩ tới thay đổi trước khi phải trả giá đắt.

Thái Lan - quốc gia đang dẫn đầu khu vực về phát triển du lịch - cũng từng phải trả giá vì tăng trưởng quá nóng. Năm 2016, chính phủ nước này buộc phải đóng cửa đảo Koh Tachai, một trong những hòn đảo đẹp nhất nước, để giảm dần tác động tiêu cực từ phát triển du lịch ồ ạt tới tài nguyên thiên nhiên ở đây. Một số quần đảo khác của Thái Lan như Surin và Similan cũng từng phải đóng cửa có thời hạn vì lý do tương tự.

Rõ ràng trên lộ trình phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp không khói, cần có chiến lược tổng thể chuyển dịch trọng tâm phát triển theo hướng bền vững, nhằm vào du khách có mức chi tiêu cao thay vì các phân khúc thị trường khách đại chúng để phân tán khách ra khỏi những điểm đến đã quá tải và phân bố hợp lý hơn lợi ích từ du lịch. Nếu đi theo hướng du lịch đại chúng thì cũng không nên phát triển theo hướng gây tổn hại tài sản văn hóa và môi trường.

Chi An