Dùng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả để có vùng trồng bền vững

- Thứ Sáu, 29/05/2020, 06:54 - Chia sẻ
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu cấp mã số vùng trồng, xây dựng vùng trồng bền vững qua đó đẩy mạnh xuất khẩu các loại cây ăn quả chủ lực của Sơn La, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN - PTNN) và Tổ chức CropLife Việt Nam phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La tiếp tục tổ chức dự án tập huấn hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm.

Từ bỏ thói quen “dùng theo kinh nghiệm”

Gia đình anh Nguyễn Đắc Đông, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn sở hữu hơn 3ha đất trồng cây ăn quả, trong đó xoài 2ha, bưởi 1ha và 5.000m2 nhãn. Anh cho biết, trước đây, mỗi khi phát hiện sâu bệnh trên cây trồng, anh thường mua thuốc tại các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp về tự phun. Tuy nhiên, do không biết cách phun thuốc an toàn, đúng liều lượng, đúng loại, đúng thời điểm nên hiệu quả không cao lại lãng phí. Năm 2019, anh tham gia chương trình tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm, nhờ đó biết được nhiều kiến thức quý. “Tôi vận dụng ngay và sản lượng vườn cây ăn quả của gia đình tăng đáng kể so với trước. Năm nay, tôi thu hoạch 30 tấn xoài, 15 tấn bưởi và 5 tấn nhãn”, anh Đông phấn khởi cho biết.


Cán bộ của CropLife Việt Nam hướng dẫn các thành viên của Hợp tác xã Ngọc Lan cách phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây nhãn

Cũng ở xã Hát Lót, chị Nguyễn Thị Huyên đã nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc dùng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, trách nhiệm khi tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng. “Tập quán canh tác và cách dùng thuốc bảo vệ thực vật của gia đình tôi thay đổi rất nhiều”, chị Huyên cho biết. Không còn phun tràn lan, chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, chị Huyên giờ đã “thuộc lòng” và vận dụng nhuần nhuẫn nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách), đồng thời ghi nhật ký sản xuất đầy chuyên nghiệp. “Làm như vậy không chỉ giúp bà con được an toàn về sức khỏe, bảo vệ môi trường mà còn giúp tăng năng suất và phòng trừ sâu bệnh cho cây”, chị Huyên cho biết.

Dự án tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm (sau đây gọi là dự án - PV) trên địa bàn tỉnh Sơn La được triển khai đầu tiên tại huyện Yên Châu trong 2 năm 2017 - 2018. Thông qua dự án, có 600 hộ dân tại 4 hợp tác xã ở huyện Yên Châu đã được hưởng lợi.

Tiếp nối kết quả đạt được, huyện Mai Sơn được lựa chọn để thực hiện dự án trong năm 2019 và 2020. Trải qua các buổi tập huấn kiến thức trong nhà cũng như ngoài thực địa hơn 1 năm qua, rất nhiều hộ nông dân ở Mai Sơn đã thuần thục, chuyên nghiệp trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Người dân cũng nghiêm túc tuân thủ việc sử dụng đồ bảo hộ, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Ngọc Lan (xã Hát Lót) - đơn vị tham gia chương trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trách nhiệm, an toàn và hiệu quả đầu tiên của huyện Mai Sơn - cho biết, tham gia dự án, ý thức sử dụng và thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật của 52 thành viên hợp tác xã đã cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, hầu hết thành viên hợp tác xã là người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn hạn chế, việc cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La và Tổ chức CropLife Việt Nam “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn thực tế trên từng loại cây trồng cho bà con đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Hiệu quả đến từng hộ dân

Định hướng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sơn La là chuyển đổi sang phát triển cây ăn quả trên đất dốc, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng và vận hành chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng chế biến, sản xuất nông nghiệp an toàn để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La Dương Gia Định khẳng định, việc xây dựng mô hình liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc “hiệu quả - an toàn - có trách nhiệm” ở Sơn La đã góp phần sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Số lượng nông dân được tập huấn về sử dụng thuốc 4 đúng, an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm tăng lên rất nhiều.

Cũng theo ông Định, để triển khai hiệu quả đến từng hộ dân, dự án đã xây dựng các hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phát cho bà con; lắp đặt các bảng hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các điểm; xây dựng mô hình thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng nhãn, xoài xuất khẩu (45 điểm lắp đặt bể chứa thuốc bảo vệ thực vật). Bên cạnh đó, bà con còn được cung cấp và trang bị đồ bảo hộ lao động (khoảng 500 nông dân thông qua các hoạt động tập huấn). Đặc biệt, tham gia chương trình, người dân có thể xác định rõ đâu là thuốc được sử dụng trong danh mục cho phép, an toàn cho con người khi sử dụng, cho sinh vật có ích và môi trường.

“Với những kết quả rõ nét đã đạt được, dự án là một trong những yếu tố quan trọng hướng tới sản xuất an toàn, nâng cao trách nhiệm của người nông dân với cộng đồng”, ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La nhấn mạnh.

Duy Anh