Triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2019 và năm 2020

Đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng

- Thứ Sáu, 19/07/2019, 07:41 - Chia sẻ
Đây là yêu cầu không mới, nhưng tiếp tục được nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm khi thảo luận tại Hội nghị triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2019 và năm 2020 do UBTVQH và Chính phủ phối hợp tổ chức sáng qua.

“Chắc là khó!”

Với tính chất là một hội nghị thường niên nhằm triển khai Nghị quyết của QH về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Hội nghị có sự tham gia đầy đủ của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH và các ĐBQH chuyên trách tại Trung ương. Trong đó, có sự tham dự của 9 Ủy viên UBTVQH và 5 bộ trưởng, trưởng ngành, dưới sự đồng chủ trì của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu và Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Và, điều mừng là tất cả các bộ, ngành, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh lần này đều khẳng định quyết tâm bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng các dự án trình QH, UBTVQH, không có cơ quan nào xin lùi thời gian trình, hoặc xin rút dự án ra khỏi Chương trình. Được giao phụ trách 2 dự án Luật, và đều là những dự luật quan trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng, đối tượng điều chỉnh khá đặc biệt, là dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ sẽ làm việc với tinh thần “tổng tiến công 100%”, không kể thứ 7, chủ nhật, và không lùi thời gian trình với quyết tâm chính trị cao nhất. Còn đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ - cơ quan được giao chủ trì soạn thảo tới 3 dự án luật, thì cam kết rằng “sẽ bảo đảm đúng tiến độ”...


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại hội nghị 
Ảnh: Quang Khánh

Ghi nhận nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan hữu quan, song điều khiến Thường trực các cơ quan của QH chưa thực sự yên tâm, nếu không nói là tiếp tục bày tỏ sự bức xúc, đó là nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc, trong đó có những tồn tại “biết rồi, khổ lắm...” đã được chỉ ra qua nhiều kỳ hội nghị, nhiều kỳ họp... nhưng đến nay gần như vẫn... “án binh bất động”. Một trong số đó phải kể đến việc không ít cơ quan chủ trì thẩm tra thường xuyên rơi vào tình trạng “bị động”, “bắc nước chờ gạo người”, “thẩm tra chay”... do các cơ quan chủ trì soạn thảo chậm gửi hồ sơ, tài liệu, hoặc dự án luật, pháp lệnh không bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đấy là chưa kể tình trạng cơ quan chủ trì soạn thảo cử người tham dự các phiên họp thẩm tra không đúng thành phần...

Những tồn tại, hạn chế này, hội nghị nào, kỳ họp nào chúng ta cũng rút kinh nghiệm. Nhưng, đúng như Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân từng nói, “sợi dây dài nhất là sợi dây kinh nghiệm, rút hoài không hết”. Trích dẫn lời của người đứng đầu cơ quan lập pháp, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng đề nghị, phải thực hiện nghiêm và siết chặt kỷ luật lập pháp hơn nữa, cụ thể là ngay trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH các tháng cuối năm 2019 và năm 2020 này.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu rằng từ nay đến năm 2020, những khuyết điểm, hạn chế trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có khắc phục được triệt để hay không? “Chắc là khó!”, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu thẳng thắn. Dẫu vậy, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng ghi nhận, với thành phần tham dự đầy đủ của Hội nghị lần này, đã cho thấy “bước chuyển mạnh về nhận thức, ý thức và trách nhiệm” của Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan có liên quan.

Khối lượng công việc lớn - thời gian vật chất không nhiều

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các tháng cuối năm 2019, cụ thể là tại Kỳ họp thứ Tám tới đây (tháng 10.2019), QH sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến về 8 dự án luật khác. Và trong thời gian sắp tới, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, có thể còn tiếp tục phải điều chỉnh bổ sung các dự án khác vào Chương trình theo yêu cầu của Trung ương. Ví dụ như Luật Nhà ở; Nghị quyết của QH về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội để thực hiện từ năm 2021 đến 2026...

Rõ ràng đây là khối lượng công việc rất lớn, trong khi thời gian vật chất (từ nay đến kỳ họp cuối năm của QH) để các cơ quan làm việc chỉ còn chưa đầy 3 tháng. Chưa kể, song song với công tác xây dựng pháp luật này, cũng còn rất nhiều công việc khác cần tập trung thực hiện, như kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại... Và thực tế, có những cơ quan hiện đã được phân công chủ trì soạn thảo, thẩm tra cùng lúc 2-3, thậm chí 4 dự án. Đơn cử, về phía Chính phủ, Bộ Nội vụ được giao chủ trì soạn thảo nhiều nhất với 3 dự án luật (2 dự án trình thông qua và 1 dự án trình cho ý kiến). Tương ứng theo lĩnh vực phụ trách và phân công của UBTVQH, Ủy ban Pháp luật cũng có số lượng nhiều nhất với 4 dự án luật (3 dự án trình thông qua và 1 dự án trình cho ý kiến). Do đó, để có thể bảo đảm hoàn thành khối lượng lớn các công việc trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, từ nay đến hết năm 2019 đòi hỏi Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của QH và cơ quan, tổ chức khác có liên quan phải quyết liệt chỉ đạo, có các giải pháp cụ thể và tập trung nguồn lực, quyết tâm thực hiện mới hoàn thành được Chương trình đã đề ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ.  

Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả, ngay sau Hội nghị này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu giao Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH, Văn phòng Chính phủ... rà soát những dự án nào đã chuẩn bị tốt và có đầy đủ hồ sơ, bảo đảm chất lượng thì bố trí trình Chính phủ, UBTVQH tại Phiên họp tháng 8 tới, còn lại để sang Phiên họp tháng 9. Cùng với đó, những dự án luật nào còn nhiều ý kiến khác nhau, cần đưa ra thảo luận tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách (dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 8 tới) thì phải khẩn trương dự kiến để kịp thời gian trình QH trong tháng 10.2019.

Riêng với việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Phó Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ và các cơ quan khi có đề xuất điều chỉnh Chương trình thì cân nhắc kỹ mức độ, thứ tự ưu tiên của dự án đã có trong Chương trình để đề nghị rút bớt, lùi thời gian trình các dự án chưa thật sự cấp bách và chỉ đề nghị bổ sung các dự án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, hồ sơ, thủ tục được thực hiện đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, kèm theo Tờ trình đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì phải có nội dung, tránh lặp lại tình trạng “đánh trống ghi tên”, sau đó lại xin lùi thời hạn trình, hoặc xin rút ra khỏi Chương trình.

Với những yêu cầu sáng rõ và chi tiết như vậy, cùng nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, hy vọng rằng, việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh lần này của QH sẽ có những chuyển biến thực sự, từng bước khắc phục được tồn tại, hạn chế đã chỉ ra. Muốn vậy, một giải pháp không mới, nhưng vẫn còn nguyên giá trị, như cách nói của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, đó là trong khi chưa sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan tiếp tục thực hiện “nghiêm và đúng” các quy định của Luật. Cụ thể, các nội dung về hồ sơ, thủ tục, thời hạn để bảo đảm dự án trình QH, UBTVQH phải đúng tiến độ, thời hạn.

Lam Giang