Dùng trái tim soi việc đúng

- Thứ Sáu, 03/07/2020, 06:22 - Chia sẻ
Dùng trái tim soi việc đúng là khi chúng ta thừa nhận sự đa dạng của những thực hành văn hóa, niềm tin hay lối sống khác lạ với ta, là khi chúng ta mở rộng tâm trí của mình để dung chứa nhiều hơn những điều khác biệt. Đó là thông điệp của chương trình “Tôi tin tôi có thể 2020”.

Khoảnh khắc đạo đức”

Hùa mốc là tấm lòng

hùa chàư là trái tim

Là con người không làm tấm lòng, con tim nhau đau nhói...

Khi nói “hùa mốc”, “hùa chàư” là lúc người Thái mang hết tâm can, lòng dạ của mình ra để ứng xử và đối đãi với nhau, là thận trọng, quan tâm để không làm cho bất kể ai phải tổn thương, từ con người tới hồn vía của cành cây ngọn cỏ. Trong mỗi tộc người đều có những câu chữ như vậy. Chính bởi ý nghĩa nhân văn ấy, chương trình “Tôi tin tôi có thể 2020” được xây dựng với chủ đề “Dùng trái tim soi việc đúng”. Chính bởi ý nghĩa nhân văn ấy, quá trình đồng sáng tác giữa mạng lưới Tiên phong vì Tiếng nói người dân tộc thiểu số và các nghệ sĩ độc lập trong suốt thời gian qua đều xoay quanh luật tục và quan niệm về cách mà con người đối xử với nhau, với mình, với trời, với đất.

Sắp đặt trình diễn “Hòn đất có dạng” với khối điêu khắc bằng đất sét trộn với đất vườn nhà tại Buôn Tring và Buôn Ea Sar, Đắk Lắk
Ảnh: Thái Minh

Đằng sau mỗi thực hành văn hóa ẩn chứa những câu chuyện riêng, về thế giới quan, về cách xây dựng mối quan hệ. Nhưng sâu thẳm, đó vẫn là những giá trị nhân văn mà cộng đồng hướng tới. Như sắp đặt đa phương tiện “Hú khoằn” của nghệ sĩ Kiều Anh, Nguyễn Phương và nhóm Tiên phong tại huyện Thanh Chăn, Điện Biên, kể câu chuyện mang dấu ấn tâm linh của đồng bào dân tộc Thái đen. Bà con tâm niệm, một người Thái đen luôn được bao bọc quanh mình bởi các hồn vía, tiếng Thái là “hú khoằn”. Bà mụ ban cho họ 30 hồn vía phía trước, 50 hồn vía đi theo sau bảo vệ, và ngay chính bản thân họ, tất cả các bộ phận trên cơ thể đều mang hồn vía với sức sống riêng. Hồn vía như một màng chắn diệu kỳ, bảo vệ thân chủ và giúp đỡ các hồn vía khác yêu thương lẫn nhau và hành xử tốt hơn trong cuộc sống. Nhờ hồn vía, họ bảo vệ và tôn trọng không gian cá nhân của nhau.

Còn sắp đặt video “Ginaong” của nghệ sĩ Red, Kim và nhóm Tiên phong ở Ninh Thuận lại nói về sự giận hờn của con người. “Giận hờn sao cho hết thỏ trong hang/ Giận hờn sao cho hết quạ trong tổ/ Giận hờn sao cho hết ong trong rừng/ Giận hờn sao cho hết trùn trong đất”... Đôi ba hình ảnh trích từ bài đồng dao gần như đã thất truyền của người Chăm có tên là "Kadha Ranaih Adaoh", được nghệ sĩ Trà Vigia phổ nhạc, lấy tên là Ginaong (Giận hờn). Trà Vigia gợi mở: “Nếu mình giận hờn nhau thì chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Nhưng mà đôi khi, mình phải giận hờn nhau để mình hiểu tình cảm của con người mình ở với nhau là thế nào. Có giận hờn mới hiểu được cái chân tính của mỗi con người”.

Hay sắp đặt trình diễn "Hòn đất có dạng" với khối điêu khắc bằng đất sét trộn với đất vườn nhà tại Buôn Tring và Buôn Ea Sar, Đắk Lắk, của tác giả Kiều Anh, Nguyễn Phương và nhóm Tiên phong tại huyện Thanh Chăn, Điện Biên, đưa đến một luật tục được thực hành nhiều năm nay của cộng đồng Êđê tại Đắk Lắk. Từng hình khối, màu sắc vì chi tiết chuyển động mang hàm ý diễn đạt suy nghĩ của bà con Êđê. Con nuôi hay con đẻ - với người Êđê, sự phân biệt này không tồn tại, bởi vì “con nuôi hay con đẻ cũng là con mình hết”. Người nhận con nuôi, nhưng người cũng là con nuôi của Trái đất, và người cũng chăm nuôi mảnh đất của mình. Mối quan hệ giữa đất và người thông qua hành vi của người ứng xử với đất trở thành một ẩn dụ giữa người và người, huyết thống và không huyết thống. Như thông điệp mà tác phẩm đưa ra, ấy chính là “cảm thức cộng đồng”.

Tôn trọng và thấu hiểu

Các tác phẩm trưng bày như một sự đối ứng, soi chiếu với những câu chuyện của tọa đàm “Khoảnh khắc đạo đức”, diễn ra chiều 2.7, trong khuôn khổ chương trình “Tôi tin tôi có thể 2020”. Đó cũng chính là diễn ngôn khác biệt của chương trình năm nay so với trước đây. Điểm nhấn của “Tôi tin tôi có thể 2019” là gợi ra những diễn ngôn ẩn chứa nhiều ngữ nghĩa, đan cài sự đánh giá với người dân tộc thiểu số và cách mọi người nhìn nhận, giải thích về những tộc người khác họ. Còn chương trình năm 2020 được đưa ra như một “lời mời” để: “Nhìn nhận lại những khác biệt và khơi chiều sâu hơn về nhân sinh quan của các tộc người là gốc rễ chỉ lối cho những thực hành văn hóa, những lựa chọn phong cách sống của từng dân tộc”.

Với chủ đề 'Dùng trái tim soi việc đúng', tôi cùng bà con mang đến tác phẩm làm từ chính đất đai vùng quê Đắk Lắk. Người Êđê có tục cúng đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu mong sức khỏe... giờ nắm đất ấy được mang ra thủ đô, làm thành tác phẩm nghệ thuật, kể cho mọi người nghe về quan niệm của dân tộc. Quan niệm đất và người, con nuôi hay con đẻ cùng có mối liên hệ đặc biệt, cùng nói lên tình cảm của con người với nhau, không kể ruột thịt máu mủ”. Tiếp lời cô H'nưn (nhóm Tiên phong tỉnh Đắk Lắk), nghệ sĩ Thảo Linh diễn giải: “Một đứa trẻ được nhận nuôi, gia đình sẽ làm lễ cúng, bà con xung quanh đến chúc phúc và một điều đặc biệt là trong buôn sau đó không ai có quyền được nói với bạn nhỏ được nhận nuôi ấy rằng bạn được nhận nuôi. Đó là cách cả một cộng đồng cùng bảo vệ, có trách nhiệm về đứa trẻ”.

Những đối thoại như vậy đã mở ra một không gian để đối diện với những cái lạ về cách nghĩ, cách ứng xử của các dân tộc khác nhau, được chậm lại để tìm, hiểu và thấu cảm, hơn hết để học tập cách hồi đáp với điều lạ. Những câu hỏi, băn khoăn, tiếng nói, suy nghĩ và góc nhìn đa chiều từ bà con dân tộc, các nghệ sĩ như xoay quanh cách mỗi người dùng con tim của mình để ứng xử, dùng lòng trắc ẩn và khoan dung để tỏ bày trước đời sống. Theo bà Nguyễn Thùy Linh, Điều phối chương trình Dân tộc thiểu số (dưới sự hợp tác của Viện iSEE và Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng CECEM), các dân tộc khác nhau luôn có những điểm khác nhau, từ cái hiển lộ là trang phục đến những cái sâu sắc hơn là giá trị, là cách nghĩ, cách sống. Mượn câu nói của đồng bào dân tộc Thái “Lấy trái tim soi việc đúng” là cách để nhấn mạnh về việc mỗi người ứng xử và lựa chọn cách nhìn về giá trị văn hóa - xã hội của mỗi vùng dân tộc khác nhau.

Đưa ra tiếng nói của những nhóm người còn ít có cơ hội xuất hiện để mỗi người biết thêm điều gì đó về cộng đồng khác và làm giàu chính mình bằng sự tôn trọng và thấu hiểu. Đằng sau mỗi thực hành văn hóa ẩn chứa những câu chuyện riêng, những thế giới quan phong phú, những cách tổ chức xã hội mà sâu thẳm là giá trị nhân văn mà từng cộng đồng hướng tới”, bà Nguyễn Thùy Linh nói.

Thái Minh