Sổ tay

Được bảo mật thông tin khi gọi đường dây nóng 111

- Thứ Hai, 24/08/2020, 10:19 - Chia sẻ
Đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, cung cấp thông tin dịch vụ tư vấn, hỗ trợ khẩn cấp qua điện thoại là một đề xuất mới, có tính đột phá trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người.

Thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người của Chính phủ, Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã xây dựng Đường dây nóng về phòng, chống mua bán người - số điện thoại 111. Đồng thời, để tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đường dây nóng về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020, Cục Trẻ em phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an và Cục Phòng chống tội phạm ma túy - Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Quốc phòng, Ban Chính sách - Pháp luật, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành trong hoạt động của Đường dây nóng 111. 

Kết quả triển khai cho thấy, từ tháng 1.2019 - 11.2019, Đường dây nóng 111 đã tiếp nhận 2.196 cuộc gọi, tăng 450 cuộc so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 1.921 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng và phòng chống mua bán người, 242 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, 33 cuộc gọi chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người. Việc thực hiện đường dây nóng để phòng, chống và hỗ trợ nạn nhân mua bán người đã đem lại nhiều kết quả thiết thực góp phần làm giảm thiểu các vụ án mua, bán người. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc phát hiện 60 vụ, liên quan đến 85 đối tượng, lừa bán 90 nạn nhân, giảm 31,5% số vụ, tăng 40% số đối tượng và giảm 39,7% số nạn nhân so với cùng kỳ 2019.

Từ kết quả này, tại Khoản 3, Điều 12 Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người, nêu rõ: "Đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người hoạt động 24 giờ tất cả các ngày trong tuần, được sử dụng số điện thoại ngắn 3 số, không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến". Theo đó, khi gọi điện đến Đường dây nóng 111 thì sẽ không làm phát sinh bất kì chi phí nào và luôn có người tiếp nhận các thông tin vào tất cả các khung giờ trong ngày, trong tuần. Đặc biệt, mọi thông tin, thông báo, tố giác trong quá trình tiếp nhận, xác minh, xác định đều được bảo mật vì lợi ích, sự an toàn của người cung cấp thông tin và lợi ích tốt nhất của nạn nhân.

Dự thảo nghị định cũng quy định, Đường dây nóng 111 sẽ do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý và vận hành. Cơ quan này, sẽ tiếp nhận các thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân về các trường hợp mua bán người qua điện thoại và chuyển các thông tin, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiến hành xác minh các thông tin liên quan đến nạn nhân bị mua bán. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan có liên quan để thực hiện việc hỗ trợ, giúp đỡ thông qua việc tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho chính nạn nhân, cha, mẹ, thành viên gia đình của nạn nhân. Đặc biệt, cơ quan này sẽ tiến hành lưu trữ, phân tích, tổng hợp thông tin để cung cấp thông tin và thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nguyễn Ngân