EVFTA có giúp ngành thủy sản đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD?

- Chủ Nhật, 02/08/2020, 06:27 - Chia sẻ
Những ưu đãi thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) ở mức cao hơn sẽ tạo điều kiện cho thủy sản Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường EU và đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, vấn đề “thẻ vàng” về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) sẽ ảnh hưởng đến việc tận dụng cơ hội này.

Thuế suất hơn 200 mã hàng về 0% ngay lập tức

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, 10 năm qua, một trong những rào cản lớn Việt Nam gặp phải khi xuất khẩu sang thị trường EU chính là thuế quan. Vì vậy, EVFTA - với cam kết cắt giảm thuế - sẽ là cú hích lớn cho ngành thủy sản, tạo bước đệm để doanh nghiệp tiến sâu hơn vào thị trường trên 500 triệu dân này.

Tận dụng cơ hội từ EVFTA, xuất khẩu thủy sản hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD.
Nguồn: Internet

Theo cam kết của EVFTA, hơn 220 mã hàng thủy sản xuất khẩu sang EU, phần lớn đang chịu thuế 6 - 22%, được giảm về 0% ngay từ 1.8.2020 - thời điểm hiệp định có hiệu lực. Những dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3 - 7 năm. Cụ thể, một số mặt hàng đang chịu thuế cao được về 0% như tôm hùm đang áp thuế nhập khẩu ở mức 8 - 20%; thanh cua đang áp thuế suất 14,2%; cá tuyết Phương Nam 15%; cá ngừ vây xanh đại tây dương 16%; tôm hồng áp thuế suất 12%; hàu, điệp, mực, bạch tuộc, ngao, bào ngư, ốc chế biến 20%...

Các nghiên cứu cũng cho thấy EVFTA có thể giúp thủy sản Việt Nam sang EU tăng 20% so với trước đây, thúc đẩy khả năng cạnh tranh so với các đối thủ chưa ký hiệp định thương mại tự do với EU như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh hay Indonesia... Một điểm quan trọng là Việt Nam có điều kiện tham gia chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, được bảo đảm môi trường kinh doanh và thể chế ổn định, minh bạch hơn nhờ cải thiện quy định, chính sách phù hợp theo các điều khoản hiệp định. 

Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy hải sản Sài Gòn Trương Tiến Dũng cho biết, phía công ty đã và đang xuất khẩu nhiều vào một số nước EU và cũng có nhiều nhà nhập khẩu đã liên hệ với công ty để đặt hàng chuẩn bị cho EVFTA. Để được ưu đãi thuế quan, các mặt hàng xuất khẩu sang EU bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ, tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường. Nếu không bảo đảm được những yêu cầu trên thì khi xuất khẩu các mặt hàng sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối thiểu, chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA. 

“EVFTA là một cuộc chơi đầy cam go, khốc liệt”, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe nói. Áp lực cho ngành thủy sản sẽ lớn hơn khi doanh nghiệp buộc phải thực hiện các quy định trong Chương về quy tắc xuất xứ của EVFTA, với yêu cầu chỉ hàng hóa có xuất xứ từ một trong các quốc gia ký thỏa thuận thương mại này mới được hưởng lợi. Vì vậy, ông khuyến cáo các doanh nghiệp phải tận dụng thế mạnh, nâng cao năng lực từ khâu quản lý sản xuất đến kỹ năng kinh doanh để hạn chế những rủi ro. Cùng với đó, chủ động ứng phó với các rào cản từ thị trường, tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và tập trung hơn cho những sản phẩm chế biến sâu, giá trị cao.

Điểm nghẽn “thẻ vàng”

Tuy vậy, vấn đề “thẻ vàng” về khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) có thể tác động và làm giảm xuất khẩu hải sản Việt Nam sang EU. Thứ trưởng Bộ NN - PTNN Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, EVFTA được thực thi sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU nếu Việt Nam khắc phục được các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU.

Tai hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, để thực hiện mục tiêu này cần tập trung khắc phục “thẻ vàng”. Hiện, có 2 lỗ hổng cần được giải quyết dứt điểm để gỡ “thẻ vàng” là xử lý vi phạm hành chính tại các địa phương và xử lý tàu đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. 

“Tổng cục Thủy sản đang nghiên cứu các văn bản tham mưu để gửi từng địa phương theo hướng vùng biển nào đã xác định rõ, phân định rõ ràng thì địa phương cần phải có động thái quyết liệt. Những vùng biển nào còn chồng lấn, địa phương phải lập danh sách toàn bộ tàu bị nước ngoài thông báo vi phạm hoặc bị lực lượng chức năng Việt Nam thông báo vi phạm. Việc lên danh sách theo dõi là đề xuất được EC chấp thuận trong lần kiểm tra gần nhất, các tàu cá vi phạm tại vùng biển chồng lấn sẽ lập danh sách, liệt vào dạng nguy cơ cao chứ chưa xử phạt. Đối với tàu cá vi phạm tại vùng biển rõ ràng thì sẽ tiến hành xử phạt, đây được xem là căn cứ để Việt Nam làm việc với phía Đoàn thanh tra của EC”, ông Luân nhấn mạnh. 

EC chính thức rút “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang EU vì những nỗ lực chưa đủ đáp ứng quy định IUU từ tháng 10.2017. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Trần Văn Lĩnh cho biết, việc này tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh, gây khó khăn cho các doanh nghiệp thủy sản. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận không dễ dàng mà nghề cá của Việt Nam với dụng cụ thô sơ, không có thiết bị hiện đại lại có thể hoàn thiện các điều kiện để đạt tiêu chuẩn của EU chỉ trong 2 - 3 năm. Vì vậy, việc gỡ “thẻ vàng” không nên nôn nóng, cần cố gắng không để chuyển sang “thẻ đỏ” và quyết tâm khắc phục thẻ vàng từ 2 phía - cơ quan nhà nước và ngư dân. Các cơ quan quản lý cần ban hành thêm các văn bản quy định mùa vụ khai thác, hạn ngạch sản lượng khai thác cho từng loài… tránh khai thác bất hợp pháp. Về phía ngư dân, phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy định đã có và chuẩn bị sẵn sàng để chấp hành thêm những quy định sắp có. 

Hạnh Nhung