EVFTA nhấn mạnh quyền lao động

- Thứ Hai, 04/11/2019, 07:43 - Chia sẻ
“Quốc hội Việt Nam dự kiến thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) trong kỳ họp lần này. Đây là bước tiến rất lớn để thuyết phục các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bỏ phiếu cho Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam”, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế, Nghị viện châu Âu BERND LANGE chia sẻ tại Tọa đàm Cập nhật tiến trình hướng tới phê chuẩn EVFTA - vừa được tổ chức nhân chuyến công tác của ông tại Việt Nam.

Người lao động phải được hưởng lợi

- Trong EVFTA, điều gì đáng lưu ý thưa ông?

- EVFTA không chỉ quan tâm đến quy trình thuế quan mà có riêng một chương về thương mại và tính bền vững về quyền lao động và vấn đề môi trường. Những yếu tố này phải được tích hợp, không tách rời trong quá trình thực hiện hiệp định. Nói đây là hiệp định thương mại công bằng và bền vững thì mới đầy đủ.

Chương 13 về thương mại và phát triển bền vững liên quan đến các vấn đề chứng thực, đòi hỏi có cách hiểu chung giữa EU và Việt Nam về một số vấn đề mà hiện nay chưa thực sự rõ ràng. Những yêu cầu về việc chứng thực đối với những sản phẩm cụ thể như ô tô, phụ tùng ô tô, lốp… liên quan đến an ninh, nhập khẩu và bảo vệ người tiêu dùng ra sao. Do vậy, trong Chương 13, chúng tôi có những nghĩa vụ chung bảo đảm tính bền vững và công bằng. Có một số cam kết về chuẩn mực môi trường như đa dạng sinh học, cam kết liên quan đến Hiệp định Pari  về biến đổi khí hậu. Hai bên cũng cam kết trong vấn để giảm thiểu cacbonnic (CO2) liên quan đến hiệu quả sử dụng năng lượng, thành lập và phát triển năng lượng tái tạo. Ngoài ra, chương này cũng đề cập đến quyền về lao động.

- Quyền về lao động trong EVFTA có nội dung gì? Ông đánh giá thế nào về vấn đề này ở Việt Nam?

- Cá nhân tôi thấy rằng quyền về lao động là một điều quan trọng. Thương mại là một động lực phát triển, tăng trưởng và đầu tư là cần thiết và đương nhiên lợi ích đó cũng phải được cảm nhận từ người dân. Người dân và người lao động ở cấp cơ sở phải được hưởng lợi chứ không phải chỉ các đại gia kinh tế.

Để hiện thực hóa điều đó, chúng tôi quyết tâm phải có được quyền căn bản và phổ quát với các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó nhấn mạnh đến 8 công ước cơ bản cốt lõi. Đây là vấn đề rất rõ ràng và là điều kiện để đưa những thỏa thuận vào hiệu lực. Thương mại và quyền lao động là hai vấn đề phải gắn kết chặt chẽ với nhau.

Việt Nam đã có bước tiến tích cực khi thông qua Công ước số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và kỳ vọng 2 Công ước còn lại bao gồm Công ước 105 về lao động cưỡng bức và Công ước 87 về tự do hiệp hội sẽ được xem xét, phê chuẩn trong thời gian tới. Trong quá trình thảo luận với Chính phủ Việt Nam, chúng tôi thấy rằng đã có những hiểu biết chung, gắn kết sửa đổi bộ Luật Lao động và sẽ phê chuẩn hai Công ước ILO đó. Quốc hội Việt Nam cũng dự kiến sẽ bỏ phiếu về việc sửa đổi Luật Lao động ngay trong kỳ họp lần này, mở đường cho việc phê chuẩn 2 công ước ILO đó. Đây sẽ là bước tiến rất lớn để thuyết phục các nước thành viên EU bỏ phiếu cho EVFTA.

Có 2 cơ chế theo dõi, giám sát

- EVFTA hướng tới thực thi luật pháp về quyền con người. Tuy nhiên, nạn buôn người và sử dụng lao động trái phép còn hiện hữu ngay ở cả các nước châu Âu. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Việc thực thi quyền lao động không phải là vấn đề một chiều mà là nghĩa vụ ngang nhau của mỗi nước EU. Bản thân các nước EU cũng nhận thấy những vấn đề liên quan tới quyền lao động, di cư, di trú bất hợp pháp. Chúng tôi sẽ phải làm nhiều hơn để bảo đảm thực hiện chặt chẽ các nghĩa vụ của mình từ phía bên trong EU. Bản thân EU cũng phải làm tốt chứ không chỉ nhìn sang bên kia phía đối tác và bảo họ phải làm gì.

Sau khi ký kết, hai bên đều xem xét việc thực hiện cam kết đến đâu và đặt ra mục tiêu năm 2025, năm 2030. Cơ hội với Việt Nam là cơ hội về đầu tư, châu Âu cũng vậy. Vậy thì những khoản đầu tư phù hợp từ châu Âu  phải được kiểm soát để bảo đảm các khoản đầu tư cũng phải bảo đảm quyền lợi của người lao động, các quyền về lao động. Ví dụ như ngành năng lượng, việc làm có bị mất đi không hay tạo ra việc làm nhiều hơn. Hiệp định đem lại lợi ích trong xuất khẩu cho các ngành nghề như ngành dệt may, ngành điện tử... Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất từ hiệp định chính là có được chuẩn mực chung, chuẩn mực quốc tế. Có thể chúng ta cũng phải cẩn trọng về những rào cản mới mà được đặt ra trong quá trình thương mại. Nhưng những rào cản đó đưa ra phải phù hợp.

- Nghị viện châu Âu có những cơ chế nào để theo dõi, giám sát thực viện hiệp định này, thưa ông?

- Để theo dõi, giám sát việc thực hiện hiệp định, chúng tôi đưa ra hai cơ chế. Một là, cơ chế tham vấn giữa EU và Chính phủ Việt Nam với một Ủy ban hỗn hợp sẽ trông coi việc thực thi này. Hai là, sẽ thành lập một nhóm tư vấn trong nước (DAG) để theo dõi, giám sát quá trình thực thi. DAG bao gồm sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức của người lao động, tổ chức phi chính phủ độc lập, tổ chức xã hội dân sự. Mỗi nhóm DAG sẽ cung cấp tư vấn cho Chính phủ và EU về thực hiện chương 13. Mỗi nhóm có thể họp một vài lần trong năm, và DAG Việt Nam gặp DAG của EU mỗi năm một lần để trao đổi. Điều này sẽ đem lại hiệu ứng tích cực cho việc theo dõi giám sát việc thực hiện EVFTA.

- Xin cảm ơn ông!

An Thiện ghi