Luật Chống hối lộ các quan chức nước ngoài của Mỹ

FCPA - “mối đe dọa” các tên tuổi lớn

- Chủ Nhật, 08/09/2019, 09:21 - Chia sẻ
Ra đời từ năm 1977, FCPA được xem là mối đe dọa đối với những vụ “đi đêm” của doanh nghiệp Mỹ và quan chức các nước. Từ năm 1998, đạo luật này mở rộng phạm vi điều chỉnh, thêm điều khoản cấm các công ty cũng như cá nhân nước ngoài có hành vi hối lộ khi đang kinh doanh ở Mỹ. Đây được cho là cột mốc quan trọng, giúp FCPA “sờ gáy” được những tên tuổi lớn.

Kellogg Brown & Root: Nộp phạt gần 600 triệu USD

Kellogg Brown & Root (KBR) là một công ty con của Halliburton, một trong những tập đoàn xây dựng và kỹ thuật lớn nhất thế giới với nhiều hợp đồng lớn cùng quân đội Mỹ. Theo tờ The New York Times, năm 2009 Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố KBR vì vi phạm FCPA, bao gồm việc chi hàng trăm triệu USD tiền lại quả cho các quan chức Nigeria để giành được một hợp đồng xây dựng nhà máy khí đốt ở nước này. KBR cùng Giám đốc Điều hành Albert Jack Stanley nhận tội, trả 402 triệu USD tiền phạt cho Bộ tư pháp và 177 triệu USD nữa cho SEC. Ông Stanley bị tuyên 2,5 năm tù giam.

Siemens AG: Vụ dàn xếp 1,6 tỷ USD

Siemens AG, một công ty kỹ thuật lớn của Đức, vi phạm luật FCPA năm 2008 khi trả 16 triệu USD cho Tổng thống Argentina để nhận được một hợp đồng làm thẻ căn cước công dân cho nước này. Hợp đồng này trị giá 1 tỷ USD với Siemens AG. Tổng cộng công ty này bị cáo buộc đưa hơn 100 triệu USD cho các quan chức chính phủ. Tám nhân viên và nhiều nhà thầu phụ của Siemens bị điều tra. Siemens sau đó đã dàn xếp với Bộ Tư pháp, trả khoản phạt 1,6 tỷ USD ở cả Mỹ và Đức. Vụ hối lộ xảy ra từ năm 2004, nhưng việc điều tra và dàn xếp kéo dài tới năm 2008.

Cá nhân bị truy tố vì nhận hối lộ 20 triệu USD

Không chỉ các công ty, những cá nhân cũng có thể bị truy tố nếu đưa hối lộ ở nước ngoài. Tháng 10.2011, hai nhân viên của công binh thuộc lục quân Hoa Kỳ bị bắt giữ và truy tố vì nhận tiền lại quả, ước tính tới hơn 20 triệu USD. Kerry Khan và Michael Alexander bị cáo buộc nhận hối lộ từ các nhà thầu để phân phát những hợp đồng béo bở cho họ. Khan và Alexander hiện vẫn đang ở tù, bị tuyên án lần lượt 20 năm và 6 năm tù giam vào năm 2013.

Kể từ khi FCPA có hiệu lực, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ phải lựa chọn sự trung thực, gạt bỏ cách đi tắt bằng hối lộ để chấp nhận tụt lại trong cuộc chạy đua kinh doanh. Năm ngoái, với việc thực thi gắt gao đạo luật trên, tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart phải thừa nhận việc các đại diện kinh doanh ở Mexico đút lót quan chức chính phủ của quốc gia Bắc Mỹ này để được cấp phép mở các chi nhánh tại đây. Giờ đây, khi nhắm đến Ấn Độ là thị trường bán lẻ lớn nhất của Wal-Mart trong vài năm tới, những nhân vật chủ chốt của tập đoàn này càng phải e dè. Họ đang nỗ lực trong sạch hóa quy trình xúc tiến đầu tư kinh doanh tại một quốc gia không được Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) đánh giá cao. Wal-Mart yêu cầu các đối tác ở Ấn Độ cam kết không dùng hành vi hối lộ để “bôi trơn” chính quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ mở rộng các cửa hiệu Wal-Mart tại đây để tránh nguy cơ bị FCPA sờ gáy.

Các thương hiệu từng nhận được danh hiệu “một trong những công ty kinh doanh có đạo đức nhất thế giới” như Oracle, General Electric, HP, AstraZeneca cũng từng phải dàn xếp hoặc bị điều tra vì vướng FCPA.

Cùng với Mỹ, nhiều nước cũng đã ban hành các luật chống tham nhũng, tạo hành lang pháp lý để hợp tác với FCPA của Mỹ. Một nghiên cứu do TI thực hiện với 49 quốc gia cho thấy tham nhũng khiến đầu tư nước ngoài đối với những nước này giảm 70%. Liên Hợp Quốc cho rằng, vấn nạn này làm thiệt hại 5% kinh tế thế giới mỗi năm. Quay lưng với tham nhũng, hối lộ là điều mà không chỉ người dân, chính quyền Mỹ mong đợi mà còn là đòi hỏi cho một môi trường kinh doanh hiện đại, chấm dứt sự bành trướng của tham nhũng, hối lộ, một “vấn nạn” đang làm đau đầu nhiều lãnh đạo các nước.

Đạt Quốc