Gần 50% dân số Việt Nam thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý

- Thứ Tư, 14/08/2019, 23:53 - Chia sẻ
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo góp ý Bộ Công cụ đánh giá nhu cầu năng lực của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý do Bộ Tư pháp phối hợp với Liên minh châu Âu, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức sáng ngày 14.8 tại Hà Nội.

Hiện có tới 45 - 50% dân số của Việt Nam thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý. Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý, số lượng và chất lượng đội ngũ làm công tác trợ giúp pháp lý được nâng lên; số người dân, nhất là người dân nghèo, phụ nữ, những đối tượng yếu thế được tiếp cận trợ giúp pháp lý cũng ngày càng nhiều hơn; một số vụ việc nhờ có trợ giúp viên pháp lý mà sau khi ra tòa thì đã thay đổi được tội danh khi có cáo trạng của viện kiểm sát, nhiều vụ việc trợ giúp viên pháp lý bào chữa đã chuyển được khung hình phạt cho đối tượng được trợ giúp pháp lý… Tuy nhiên, thực tế việc tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế do một số nguyên nhân như trình độ dân trí thấp, không ít đồng bào ở khu vực miền núi không biết đọc, nghe, viết tiếng phổ thông nên khi xảy ra sự vụ, việc tiếp cận trợ giúp pháp lý gặp nhiều khó khăn; phương thức truyền thông về trợ giúp pháp lý còn có chỗ chưa phù hợp nên người dân chưa biết đến trợ giúp pháp lý; trình độ năng lực, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý của một số người thực hiện trợ giúp pháp lý trong một số lĩnh vực còn hạn chế…

Tại hội thảo, đa số ý kiến đều cho rằng, cần thiết phải có Bộ công cụ đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ người thực hiện pháp lý nhằm góp phần nâng cao năng lực của người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng như nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân nói chung, người nghèo, đối tượng người yếu thế nói riêng. Tuy nhiên, để làm được điều này, một trong những việc cần ưu tiên trong thời gian tới là dành nguồn kinh phí nhiều hơn cho các trung tâm và những người làm công tác trợ giúp pháp lý, người được trợ giúp pháp lý để có cơ hội được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng, nâng cao trình độ về tiếp cận, xử lý thông tin…

Bảo Hân