Hướng tới xây dựng công viên địa chất núi lửa Krông Nô, Đắk Nông

Gắn bảo tồn với phát triển

- Thứ Hai, 25/05/2015, 08:20 - Chia sẻ
Việc phát hiện 3 hang động núi lửa được đánh giá dài nhất khu vực Đông Nam Á tại Krông Nô, Đắk Nông là điều kiện cần cho việc hình thành một công viên địa chất. Tuy nhiên, để xây dựng công viên địa chất núi lửa Krông Nô, theo chuyên gia di sản địa chất Lương Thị Tuất, điều kiện đủ là phải có đề án gắn bảo tồn với phát triển tại di sản địa chất này.

Theo Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Trần Phương, với đặc điểm là khu vực tự nhiên, độc đáo, chứa đựng tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, phân bố trong phạm vi nhất định, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên; đồng thời chứa đựng các giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa và xã hội... khu vực Krông Nô, Đắk Nông được đánh giá đã hội tụ đầy đủ tiêu chí để hình thành một công viên địa chất. Riêng về di sản địa chất là phần tài nguyên địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế, bao gồm cảnh quan địa mạo, các miệng núi lửa đã tắt hoặc đang hoạt động, các hang động... thì tại Krông Nô phải nhắc đến hệ thống hang động trong đá basalt với 3 hang động núi lửa đã được các chuyên gia đến từ Hiệp hội Hang động Nhật Bản đánh giá là dài nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay. Đây là di sản hàng đầu trong số di sản thiên nhiên, đóng góp điều kiện quan trọng hình thành công viên địa chất núi lửa Krông Nô trong tương lai.


Tuy nhiên, di sản địa chất là tài nguyên không tái tạo, một khi đã mất thì không thể lấy lại được. Vì thế, câu chuyện ở đây là làm thể nào để đến bảo tồn bền vững giá trị di sản này trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Các lợi ích kinh tế ngắn hạn có thể kéo theo nhiều hệ lụy trong tương lai không xa. Thực tế, công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, đã phải rất vất vả trong việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển để bảo đảm được tái công nhận tư cách thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu. Đơn cử như hệ thống giao thông và hạ tầng du lịch, mặc dù địa hình đá hiểm trở nhưng không thể tùy tiện xây cáp treo hay cải tạo nâng cấp các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, liên bản, bởi có thể tác động xấu đến môi trường, gián tiếp phá hủy di sản. Chuyên gia di sản địa chất Lương Thị Tuất cho rằng, thay vì xây dựng cáp treo thuận tiện nhưng không bảo đảm môi trường di sản, nên triển khai xây dựng các tuyến đường mòn du lịch địa chất (Geo-trail) ở những tuyến có các điểm di sản có giá trị nổi bật với nội dung đa dạng phong phú, hấp dẫn du lịch nhờ tích hợp được tổng thể các giá trị di sản địa chất, văn hóa và đa dạng sinh học, như tuyến phố cổ Đồng Văn - Ma U - Lùng Lú. Đây cũng chính là khuyến nghị bắt buộc của Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (GGN) đối với phát triển du lịch của tất cả thành viên và được coi là một công cụ, biện pháp hữu hiệu để khai thác kết hợp với bảo tồn các giá trị di sản.

Từ thực tế ở Cao nguyên đá Đồng Văn cho thấy, cần có giải pháp tổng thể từ phát triển cơ sở hạ tầng đến bảo tồn di sản địa chất tại các khu vực được quy hoạch là công viên địa chất. Trước mắt, đầu tư nâng cấp và cải tạo cơ sở hạ tầng có sẵn, khuyến khích người dân xây dựng mô hình nhà lưu trú mang bản sắc truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn phục vụ du lịch, song cần bảo đảm yêu cầu môi trường cũng như các dịch vụ tiện ích khác để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Không đầu tư xây dựng các công trình dân sinh và du lịch quá lớn làm ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường như chuỗi nhà hàng, khách sạn, sân vận động, trung tâm vui chơi giải trí lớn; hay cơ sở hạ tầng liên hoàn, khổng lồ như cáp treo... Điều này sẽ phá vỡ cảnh quan, làm vượt ngưỡng chịu tải dẫn đến nguy cơ phá vỡ tính bền vững của di sản địa chất.

Việc phát hiện 3 hang động núi lửa được đánh giá dài nhất khu vực Đông Nam Á tại Krông Nô, Đắk Nông là điều kiện cần cho việc hình thành một công viên địa chất. Tuy nhiên, để xây dựng công viên địa chất núi lửa Krông Nô, điều kiện đủ là phải có đề án cụ thể và có tầm nhìn, bảo đảm gắn bảo tồn bền vững với phát triển kinh tế - xã hội tại di sản địa chất này.

Phan Anh