Gắn kết với cơ quan dân cử địa phương - Dấu ấn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV

Bài 2: Không ngừng đổi mới, sáng tạo

- Thứ Tư, 16/09/2020, 06:02 - Chia sẻ
Sau những dấu ấn của Hội nghị Thường trực HĐND khu vực đầu tiên trong nhiệm kỳ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp chặt với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị. Nhiều đổi mới, sáng tạo được áp dụng, từ việc mở rộng thành phần tham dự đến tổ chức tọa đàm của các Ban HĐND và bộ máy tham mưu, giúp việc, lồng ghép giới thiệu hoạt động nổi bật của HĐND… nhằm tăng cường hơn nữa sự gắn kết của Quốc hội với cơ quan dân cử địa phương.

Thống nhất, chuyên nghiệp hơn

Hội nghị đầu tiên được tổ chức trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 (Hội nghị khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ tại Nam Định vào tháng 9.2016) với sự trực tiếp chỉ đạo và tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh dấu bước thay đổi trong tổ chức Hội nghị khu vực nói riêng và hoạt động của HĐND nói chung.

Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ 8 và Miền Đông Nam bộ lần thứ 6 là diễn đàn có số lượng địa phương tham dự nhiều nhất.
Ảnh Trọng Đức

Trên cơ sở đánh giá hiệu quả hội nghị và để thực hiện những dự định mà Quốc hội nhiều khóa trước còn đang ấp ủ, Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo Ban Công tác đại biểu ban hành Thông báo số 645/TB-BTCĐB ngày 13.9.2016 (Kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại Hội nghị Thường trực HĐND khu vực đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2016 - 2021). Trong đó, giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND các tỉnh, thành ở các khu vực tổ chức Hội nghị. Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và Bí thư, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh, thành phố tích cực tham dự.

Mặc dù chưa phải là một văn bản pháp lý, nhưng được coi là nền tảng để các cơ quan của Quốc hội căn cứ triển khai. Từ phía địa phương đã có chuyển biến rõ rệt, thể hiện sự quan tâm, nghiêm túc và trách nhiệm hơn trong công tác tổ chức hội nghị. Bắt đầu từ đây, Ban Công tác đại biểu, một cơ quan mang trọng trách làm cầu nối giữa Quốc hội với cơ quan dân cử ở địa phương đã thường xuyên phối hợp với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố chuẩn bị hội nghị. Hoạt động của hội nghị đã bước sang giai đoạn mới. Từ việc đặt tên đến nội dung chủ đề, thông tin tuyên truyền, phân tích, đánh giá, tổng hợp kiến nghị đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giải quyết được Ban Công tác đại biểu chủ trì cùng Thường trực HĐND từng khu vực, nhất là địa phương đăng cai hội nghị thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp hơn.

Tính đến thời điểm hiện tại, trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đã có 41 hội nghị được tổ chức, trong đó đại diện lãnh đạo Quốc hội tham dự 37 hội nghị. Nếu như trước kia, tuy được duy trì thường xuyên nhưng chỉ được coi là một diễn đàn giao lưu, phương thức hỗ trợ nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử thì nay đã được đưa vào kế hoạch chương trình công tác của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố và cả trong chương trình làm việc của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham dự hội nghị khu vực đã trở thành hoạt động thường kỳ của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mở rộng thành phần, quy mô tổ chức

Tiếp tục đổi mới và sáng tạo, ngay tại Hội nghị Khu vực Miền Đông Nam Bộ lần thứ hai (Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12.2017), Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo Ban Công tác đại biểu tổng kết, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình tổ chức, hiệu quả của các hội nghị khu vực để rút kinh nghiệm trong các năm tiếp theo. Với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Quốc hội, Ban Công tác đại biểu và Thường trực HĐND tiếp tục nghiên cứu và thường xuyên đổi mới công tác tổ chức. Các hội nghị sau được mở rộng thành phần khách mời gồm Trưởng đoàn ĐBQH, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách của các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Với quan điểm, việc của địa phương, trách nhiệm với Nhân dân địa phương không chỉ là việc của HĐND mà còn là của Quốc hội, các ĐBQH có trách nhiệm tham gia vào các hoạt động của cơ quan dân cử của địa phương bầu ra mình. Để nguyện vọng, tiếng nói của cử tri ở một vùng, một miền hòa chung vào tiếng nói cử tri cả nước cần có kinh nghiệm không phải chỉ của riêng đại biểu HĐND mà còn là của ĐBQH. Việc mở rộng thành phần tới một số địa phương ngoài khu vực cũng bắt đầu được áp dụng. Sự đổi mới này vừa tăng cường sự giao lưu giữa các khu vực, vừa là một biện pháp hữu hiệu để hoạt động điển hình của địa phương được phổ biến rộng rãi đến các khu vực khác trong cả nước.

Bên cạnh chương trình được tổ chức như thông lệ, từ Hội nghị khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ lần thứ 5 (Hải Dương, tháng 3.2019), Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương đã thống nhất với Ban Công tác đại biểu tổ chức buổi tọa đàm của các Ban HĐND và bộ máy tham mưu, giúp việc của HĐND. Sáng tạo này được lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao và được áp dụng tại các hội nghị sau đó.

Hoạt động nổi bật của HĐND hay một số kết quả về tình hình phát triển kinh tế xã hội được Thường trực HĐND địa phương đăng cai tổ chức lồng ghép để giới thiệu tới các cơ quan Trung ương và địa phương khác. Ví dụ như hoạt động tham quan mô hình kỳ họp không giấy (tại Hội nghị khu vực Bắc Trung Bộ lần thứ 7 tại Quảng Trị, tháng 12.2019), tổ chức triển lãm xúc tiến thương mại để mở rộng cơ hội đầu tư giữa các địa phương (Hội nghị khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ lần thứ 3 tại thành phố Hà Nội 10.2017; Hội nghị Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 4 tại Ninh Thuận, tháng 4.2018)…

Gần đây nhất là Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 8 và kKhu vực miền Đông Nam Bộ lần thứ 6, lần đầu tiên Ban Công tác đại biểu phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Long An tổ chức với sự tham gia của hai khu vực trên toàn quốc đã tạo được diễn đàn có số lượng địa phương tham dự nhiều và chất lượng cao nhất từ trước đến nay. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy chia sẻ: Đây tiếp tục là đổi mới trong tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND khu vực theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để thực sự là diễn đàn trao đổi, thảo luận về kỹ năng, kinh nghiệm của HĐND các địa phương và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện cơ chế thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND.

HẢI LAM