Gắn kết với cơ quan dân cử địa phương - Dấu ấn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV

Bài cuối: Hướng tới mái nhà chung dân cử

- Thứ Năm, 17/09/2020, 08:23 - Chia sẻ
Với sự ghi nhận những giá trị thực tế trong việc tổ chức thành công các hội nghị khu vực và niềm phấn khởi của cơ quan dân cử ở địa phương trước sự quan tâm, sâu sát của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, mong đợi lớn nhất không gì khác chính là việc quy phạm hóa hội nghị khu vực. Khi đó, sẽ tạo được cơ chế để các cơ quan ở Trung ương có trách nhiệm xem xét, giải quyết các kiến nghị, đề xuất tại hội nghị. Chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân; công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ là sự đồng hành trách nhiệm của cả Quốc hội và cơ quan dân cử ở địa phương.

“Điểm tựa” để không còn phải hỏi: Cấp trên của mình là ai

So sánh các hoạt động mang tính “tăng cường, đổi mới, nâng cao” giữa các nhiệm kỳ Quốc hội sẽ là khập khiễng. Vì tiêu chí đánh giá hiệu quả không dựa nhiều vào yếu tố hợp pháp mà phần nhiều dựa trên sự hợp lý, dường như có phần định tính và chỉ được chiêm nghiệm, nhìn nhận sau khoảng thời gian dài thực hiện. Nhưng với sự quan tâm của cá nhân Chủ tịch Quốc hội và tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV trong việc nỗ lực nâng cao chất lượng Hội nghị Thường trực HĐND các khu vực đã cho thấy tính hiệu quả, đúng đắn của chủ trương đổi mới này.

Thành công trước hết chính là sự ghi nhận của Thường trực HĐND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương. Thay vì câu hỏi “Không biết cấp trên của mình là ai”, thì nay Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã là một địa điểm để Thường trực HĐND tìm đến mỗi khi có vướng mắc, khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật hay khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương) Nguyễn Hồng Lĩnh: HĐND là một thiết chế dân chủ, thể hiện bản chất của Nhà nước dân chủ Nhân dân, do vậy HĐND rất mong muốn từ phía Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để nâng cao vị thế của cơ quan dân cử.

Cùng quan điểm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Phạm Văn Rạnh xúc động chia sẻ: Không chỉ là diễn đàn giúp cho cơ quan dân cử địa phương có nhiều thông tin, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để vận dụng thực hiện chức năng, nhiệm vụ, sự tham dự của lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội với những phát biểu chỉ đạo, định hướng rất sát với những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn hoạt động và mong mỏi của HĐND các địa phương đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội đối với của HĐND.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng với các đại biểu dự Hội nghị Thường trực HĐND 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 6 tại Tuyên Quang, ngày 9.4.2019

Ảnh: Quang Khánh 

Kênh thông tin quan trọng hoàn thiện pháp luật về HĐND

Với sự tham gia của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại diện một số bộ, ban ngành ở Trung ương, các kiến nghị, thắc mắc của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố cơ bản đã được giải đáp kịp thời. Trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành trên 50 văn bản hướng dẫn hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương.

Thông qua các hội nghị Thường trực HĐND khu vực, bằng việc tổng hợp kiến nghị đề xuất để gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhiều ý kiến về xây dựng pháp luật chính quyền địa phương hay pháp luật chuyên ngành đã được xem xét, sửa đổi bổ sung. Kết thúc Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ 7 (Quảng Trị, tháng 12.2019), trước đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xem xét trả lời kiến nghị tại Hội nghị, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan giải trình hoặc kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan (tại văn bản số 1144/VPCP – QHĐP của Văn phòng Chính phủ).

Hội nghị Thường trực HĐND các khu vực khu vực cũng mở ra cơ hội để hoạt động đối ngoại của Thường trực HĐND được triển khai. Trên cơ sở nguyện vọng của đại diện Thường trực HĐND tại hội nghị Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ tư (Cần Thơ, tháng 5.2018), Đảng đoàn Quốc hội đã đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương xây dựng Chương trình đối ngoại năm 2019 có sự quan tâm để Thường trực HĐND tham gia. Lần đầu tiên có một đoàn công tác đối ngoại của Việt Nam gồm đại diện của 28 Thường trực HĐND tỉnh, thành trực thuộc Trung ương đi học tập, nghiên cứu về chính quyền địa phương tại Trung Quốc. Sau chuyến công tác, đã có nhiều sáng kiến được Thường trực HĐND xem xét, cân nhắc lựa chọn yếu tố hợp lý để áp dụng tại địa phương.

Với việc mở rộng thành phần tham dự, các hội nghị không chỉ là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND các địa phương cùng khu vực mà còn là sự trao đổi kinh nghiệm giữa các khu vực, giữa ĐBQH và đại biểu HĐND, là cầu nối giữa Trung ương với địa phương. Nhiều đổi mới trong hoạt động của Quốc hội được HĐND triển khai như: Phương thức chất vấn hỏi một phút, trả lời ba phút tại các kỳ họp HĐND; sự liên thông về giải quyết kiến nghị của cử tri qua phần mềm của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Tham dự và chỉ đạo hội nghị, lãnh đạo Quốc hội luôn ghi nhận giá trị thực tế hoạt động này ở địa phương. Từ một sáng kiến tại một tỉnh, một khu vực, đến nay đã trở thành hoạt động thường niên và hiệu quả để các cơ quan trung ương gần cơ sở hơn. Trong lần dự Hội nghị Thường trực HĐND khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ 3 tại Đắk Lắk, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Việc phối hợp giữa Ban Công tác đại biểu với Thường trực HĐND tổ chức hội nghị khu vực là dịp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội nắm bắt được tình hình thực hiện các quy định mới, hiểu được những khó khăn, vướng mắc để kịp thời đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống phát luật, tạo cơ sở pháp lý để HĐND các cấp hoạt động hiệu quả nhất”.

Điển hình, theo khẳng định của Ban Công tác đại biểu tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Sông Cửu Long (lần thứ 7) và khu vực Miền Đông Nam bộ (lần thứ 6), những khó khăn vướng mắc, bất cập, những kiến nghị trong việc triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét, tiếp thu trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật nêu trên. Những đề xuất về công tác nhân sự của HĐND trong nhiệm kỳ 2021-2026, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt của HĐND, những kiến nghị về bộ máy giúp việc của HĐND được chia sẻ và Chủ tịch Quốc hội ghi nhận.

Ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn

Với sự ghi nhận những giá trị thực tế trong việc tổ chức thành công hội nghị khu vực và niềm phấn khởi của HĐND các tỉnh, thành phố trước sự quan tâm, sâu sát của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, mong đợi lớn nhất của địa phương không gì khác chính là việc quy phạm hóa hội nghị khu vực là một phương thức hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương. Khi đó, từ việc bảo đảm điều kiện để tổ chức đến cơ chế giải quyết kiến nghị đề xuất tại hội nghị sẽ ngày càng kịp thời, chuyên nghiệp, chất lượng hơn trước. Hệ thống pháp luật về cơ quan dân cử sẽ tiệm cận để phản ánh đúng yêu cầu xuất phát từ thực tế hoạt động của cơ quan dân cử. Đây cũng là một bước tiến thể hiện tư duy thống nhất trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội và cơ quan dân cử ở địa phương.  

Vẫn biết rằng, Quốc hội còn nhiều trăn trở trước những mong đợi từ phía địa phương như việc quy phạm hóa hoạt động hội nghị, cơ chế giải đáp kiến nghị, đề xuất tại hội nghị, việc phân chia vùng, đơn vị để bảo đảm tính đồng đều về số lượng địa phương tham dự… Tuy nhiên, với những gì đang có, Quốc hội Khóa XIV đã tạo dấu ấn cho sự khởi đầu trong mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương, giữa Quốc hội với cơ quan dân cử ở địa phương. Với sự chuyển mình này, thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đang dần khép lại để mở ra một thập kỷ mới bắt đầu bằng nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, nhiệm kỳ HĐND 2021 - 2026 của gắn kết, cùng nhau tạo dựng một mái nhà chung dân cử ngày càng vững chãi, ấm áp, hiệu quả để xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và Nhân dân.

HẢI LAM